![]() |
Toàn cảnh Hội thảo được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh chiều 19/10
Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017” tổ chức ngày 19/10 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cho vay ưu đãi dành cho các DN với dư nợ khoảng 88.000 tỷ đồng.
Giải ngân hơn 550 nghìn tỷ đồng cho các DN mới
Tính đến hết tháng 9/2017 có gần 75.000 DN được vay vốn với nhiều hình thức khác nhau như Vietinbank dành 120.000 tỷ đồng (với lãi suất ngắn hạn dưới 7%/năm và lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm) cho Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2017 và 10.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay DN đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ TP HCM (các khoản vay trung dài hạn với lãi suất 8,8%/năm);
Hay, Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng;
Tương tự Vietcombank dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-8%/năm cho Chương trình cho vay phát triển ngành y tế và 10.000 tỷ đồng trong đó hạn mức cho vay lên tới 200 tỷ đồng/dự án cho Chương trình Hợp tác phát triển ngành Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ tại TP. HCM.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng tích cực tham gia hỗ trợ DN như MB có gói tín dụng cho vay DNNVV với dư nợ lên đến 38.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 7,2%/năm và dài hạn 8,7%/năm và 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7,4 /năm cho trương trình: Doanh nghiệp khởi nghiệp...
Bên cạnh việc cho vay, các ngân hàng thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ của khách hàng… với dư nợ khoảng 88.000 tỷ đồng.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, các ngân hàng cam kết cho vay các DN mới gần 570.000 tỷ đồng, và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng. Số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.
Hệ thống các TCTD cũng đã tích cực đổi mới, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và hiện đang triển khai trên 70 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó 15 chương trình áp dụng đối với DNNVV.
Hiệu quả đầu tư tín dụng DN chưa cao
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, xuất phát từ thực tế hầu hết DN Việt Nam là DNNVV, trong số đó, nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính còn hạn chế, chưa đáp ứng dược điều kiện về vốn tự có, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các DN còn hạn chế.
Thống đốc thừa nhận, hiệu quả đầu tư tín dụng đối với các DN chưa cao do phần lớn các DN có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của DN.
Cùng với đó, tiến độ xử lý nợ xấu chậm, việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi DN không trả được nợ vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ xấu đặc biệt là trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn bất cập nên các ngân hàng có tâm lý thận trọng hơn khi cho vay.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình bằng việc tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Thanh Hoa