Trao đổi với VnBusiness, một số chuyên gia cho rằng, đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì đây là tín hiệu vui và con số tăng trưởng tín dụng hợp lý. Doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đang bắt đầu khởi động lại sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh. Vấn đề là chất lượng tín dụng, dòng chảy tín dụng có được nắn đúng hướng hay không?
Vốn chảy vào đâu?
Theo thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, được tổ chức mới đây, tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021. Con số này thấp hơn mức 2,74% vào cuối tháng 1 từng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, dù vậy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 0,66%) và về với mức bình thường so với thời điểm chưa xảy ra Covid-19 (tín dụng 2 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 1%).
Ngân hàng Nhà nước cho biết dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. |
Câu hỏi đặt ra là, tín dụng tăng trong thời điểm đầu năm được xem là trầm lắng trong hoạt động cho vay. Đây có phải là sự bất thường không? Có hay không hiện tượng vốn chảy vào chứng khoán, bất động sản, hay ngân hàng "bắt tay" doanh nghiệp cho vay đảo nợ?
Tín dụng đang phục hồi khả quan, nhưng PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đang kiểm soát rất chặt tín dụng bất động sản và chứng khoán. Việc nguồn vốn ồ ạt vào hai thị trường này trong thời gian qua, theo ông Thịnh, không phải từ tín dụng, mà từ kênh khác (tiết kiệm cá nhân, vay margin công ty chứng khoán…).
“Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất - kinh doanh, trong đó, trọng tâm là những nhóm ngành ưu tiên như xuất khẩu, nông lâm nghiệp, công nghệ cao”, ông Thịnh nhận định.
Cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 10,44 triệu tỷ đồng. Hết tháng 1/2022, ngân hàng đã bơm ra thị trường 286.000 tỷ đồng, con số này giảm còn 190.000 tỷ đồng đến cuối tháng 2.
Trong các văn bản điều hành, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Ngân hàng siết vốn vào lĩnh vực rủi ro
Đồng thời, NHNN dùng một số công cụ để quản lý “hướng đi” của tín dụng. Ví dụ, với chứng khoán, NHNN yêu cầu các NHTM không được cho vay vượt quá 5% vốn điều lệ. Còn với bất động sản, quy định về nâng cao hệ số rủi ro khi cho vay và không được lấy nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Ngoài ra, để dòng vốn đi đúng hướng, NHNN ban hành cơ chế thưởng, sẽ cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho những ngân hàng tuân thủ tốt các quy định về an toàn vốn.
Tại một số ngân hàng, tỷ lệ cho vay bất động sản luôn được khống chế dưới 1 con số, và chủ yếu là ưu tiên cho những người có nhu cầu nhà ở thật. Hiện trên 65% dư nợ cho vay bất động sản của các NHTM là dành cho người mua nhà hay sửa chữa nhà cửa.
Lãnh đạo các ngân hàng Agribank, VPBank, TPBank, PVCombank… khẳng định, tín dụng đang chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tại Agribank, cho vay bất động sản chỉ chiếm hơn 1,3% tổng dư nợ. Còn tại VPBank, con số này cũng không lớn, tập trung cho cá nhân mua nhà.
Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank cho biết: "VPBank luôn có cơ chế khống chế vào bất động sản ở tỷ lệ nhất định, để tránh rủi ro tập trung, chọn lọc các dự án lớn, có uy tín, như dự án nhà ở xã hội, và đáp ứng các yêu cầu của NHNN và VPBank để hạn chế rủi ro".
Tương tự, ông Phan Quang Chung, Giám đốc Vùng 1-2, Khối khách hàng cá nhân PVCombank cho rằng: Những nhóm ngành được tập trung vốn nhiều nhất là xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, cho vay tiểu thủ công nghiệp, du lịch, lưu trú... Những nhóm ngành này có nhiều cơ hội phục hồi sau thời kỳ Covid-19 nên ngân hàng rất mong muốn khách hàng sẽ có thêm sức mạnh kinh tế phục hồi. Để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng giảm lãi suất từ 1%-2% so với năm 2021.
Huyền Anh