Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, năm nay, chưa thể trông đợi xử lý nợ xấu có kết quả khả quan, ít nhất là sang năm sau mới nhìn thấy được Nghị quyết 42 sẽ được thực hiện như thế nào.
Tăng áp lực vào cuối năm
quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang thông thoáng, xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu. Về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tiễn hoàn toàn khác.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016. Đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng.
Nếu tính cả nợ tiềm ẩn, nợ công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua cùng với nợ xấu nội bảng tại ngân hàng thì tổng mức nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 là khoảng 566.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 8,61%, giảm 10,08% cuối năm 2016 (cuối năm 2016 là 600.000 tỷ đồng).
Sang quý IV, các ngân hàng đã đẩy mạnh thu hồi nợ, đặc biệt là những khoản nợ xấu, với mong muốn chạy về đích các chỉ tiêu kinh doanh năm. Đây là thời điểm ngân hàng phải chốt việc trích lập chi phí dự phòng rủi ro và tỷ lệ nợ xấu. Hơn nữa, việc thu được nợ xấu sẽ giúp ngân hàng nâng cao con số lợi nhuận.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vấn đề xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 vẫn còn khá chậm, mới chỉ dừng lại ở việc các ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo, cơ cấu lại nợ và một số ngân hàng mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC.
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, việc thu giữ tài sản đảm bảo còn rất nhiều trở ngại. Nếu hai bên người cho vay và người đi vay ra tòa, theo tinh thần Nghị quyết 42, tòa án sẽ phải có một chương trình xét xử nhanh chóng. Tuy nhiên, cho tới giờ này vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề xử lý nhanh chóng tại tòa.
Thứ hai, hiện vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ được hình thành theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, nghĩa là tất cả thành phần từ người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng đều có thể tham gia.
Thứ ba, quy định về chuyển nhượng tài sản, công chứng như nào, chuyển nhượng tài sản từ người này sang người khác như thế nào, giá cả như thế nào cũng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
![]() |
Cho tới thời điểm này, vấn đề xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 vẫn khá còn chậm, mới chỉ dừng lại ở việc các ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo, cơ cấu lại nợ và một số ngân hàng mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC.
Cần chính sách cụ thể
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 42 như tiền đề pháp lý, còn để đánh tan được “cục máu đông” nợ xấu cần phải có những chính sách cụ thể.
Chẳng hạn, vừa qua, VAMC thu giữ tài sản đảm bảo là tòa nhà Sài Gòn One Centrer. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng thu giữ vẫn chưa thực hiện được đấu giá tài sản do vướng quyền lợi của người mua những căn hộ trong tòa nhà.
Trên thực tế, một số ngân hàng đã không đợi khi đầy đủ chính sách mới xử lý nợ xấu. Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu xử lý nợ xấu lên hàng đầu, đặt áp lực lên bộ máy quản trị điều hành và tạo sức ép lên cán bộ nhân viên kinh doanh, thu hồi nợ.
Thống kê cho thấy, có khoảng 5 ngân hàng lên phương án mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý bằng cách làm lại toàn bộ bộ máy xử lý nợ theo phương thức ngân hàng có quyền thu hồi tài sản. Ví dụ như VPBank đã chấn chỉnh lại toàn bộ trung tâm công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng, hình thành bộ máy, quy chế xử lý nợ rất bài bản.
Thậm chí, có nhiều ngân hàng còn kết hợp với kinh nghiệm của các nước tiên tiến khác để đổi mới từ công nghệ thông tin cho đến cơ chế chính sách xử lý nợ (xử lý sớm, xử lý muộn và thanh lý nợ).
Mới đây, Sacombank cho biết, kết thúc năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm xuống còn 4,4% (tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 là 6,68%) và sẽ giảm xuống mức 3% trong năm 2018. Sau VietinBank, Sacombank cũng là ngân hàng thứ hai mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý.
Có thể nói, ngay khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các ngân hàng đã thể hiện sự chủ động, không ỷ lại vào chính sách cũng như VAMC. Các chuyên gia đánh giá bức tranh nợ xấu không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, mà cần cả một quá trình.
Huyền Anh