Từ đầu năm đến nay, kinh tế phát triển mạnh mẽ, kinh tế hợp tác (KTHT), HTX cũng phát triển, đặc biệt là các vùng phát triển hàng hóa tập trung, xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Năng lực quản trị, hạch toán, tổ chức theo Luật HTX ngày càng được nâng cao; tỷ lệ HTX hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng, trở thành định hướng phát triển trong thời gian tới.
Từ HTX điển hình
HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh thành lập ngày 11/3/2016 tại Sơn Lý (Sơn Lộc, Bố Trạch, Quảng Bình). HTX có vốn điều lệ là 3,1 tỷ đồng, 27 thành viên tham gia với các ngành nghề: Chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và nông, lâm nghiệp; cung ứng vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu làm nấm; cung ứng bịch phôi nấm; sản xuất, cung ứng các loại giống nấm, nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; sản xuất trà và rượu Linh chi; tiêu thụ, chế biến, thu mua xuất khẩu nấm và các mặt hàng nông sản.
Dù mới thành lập, nhưng doanh thu HTX luôn đạt trên 7 tỷ đồng/ năm, công suất 170 vạn bịch nấm/năm; sản lượng 170 tấn nấm tươi, khô các loại/năm. Tuấn Linh là 1 trong 59 HTX nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình có tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên, chiếm 31,9% trên tổng số HTX nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình.
Sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết không chỉ giúp HTX được chuyển giao và áp dụng KH-KT, mà còn tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đầu ra ổn định, lợi nhuận tăng 16 - 21% so với bình thường, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, HTX đã đi khảo sát thực địa trên địa bàn tỉnh, khảo sát thị trường và kết hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị địa phương vận động, tư vấn cho nông dân liên kết lại thành lập các tổ hợp tác (THT), chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Để có sự liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp thì cả hai bên đều tôn trọng lợi ích của nhau. Người nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa là người tiêu thụ sản phẩm, cũng là người quảng bá sản phẩm miễn phí cho HTX".
Ngoài bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX còn chế biến, đa dạng hóa sản phẩm như nấm sò khô, nấm mộc nhĩ quả thể, nấm mộc nhĩ thái sợi, trà xanh Linh chi túi lọc... để có thị trường tiêu thụ rộng hơn.
Bên cạnh đó, HTX đã đem hệ thống tem truy xuất nguồn gốc vào sử dụng để quản lý sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Do vậy, sản phẩm của HTX đã được ký kết hợp đồng với các công ty, siêu thị Co.opMart, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh; tham gia ký kết hợp đồng cung ứng nấm Linh chi với đối tác Thái Lan, Lào...
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Tuấn Linh |
Nâng cao quy mô, hiệu quả
Đến nay, HTX đã liên kết trực tiếp với 28 THT trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho 330 lao động với thu nhập bình quân 3,6 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, đến nay nhiều HTX có nhận thức và tích cực huy động nguồn lực đầu tư sản xuất gắn với chuỗi giá trị tập trung sản phẩm thế mạnh của địa phương và đẩy mạnh hình thành liên kết theo chuỗi hàng hóa giá trị quy mô lớn, chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình HTX Tuấn Linh (Quảng Bình), HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La (Sơn La), HTX tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) với sản phẩm tiêu, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Nam Định) với sản phẩm gạo, HTX Sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ ca cao Ea Kar (Đăk Lăk), HTX Hải sản Mũi Né (Bình Thuận) với sản phẩm nước mắm truyền thống...
Đến nay, cả nước có trên 1.500 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, trong đó có 1.096 chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đáng phấn khởi, ở nhiều địa phương, HTX đã trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế. Tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vận tải đường bộ, lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp bằng mô hình HTX đạt hiệu quả cao.
Hiện cả nước có gần 2.000 HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, công nghệ cao và hơn 3.000 HTX phi nông nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Nhiều HTX có quy mô lớn, quản trị hiện đại, thành lập các doanh nghiệp để chuyên môn hóa sản phẩm như HTX Thương mại phường I (Tiền Giang), HTX Vận tải ô tô Nhơn Trạch (Đồng Nai), HTX Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Xuyên Việt (Hải Dương)... Các HTX đã mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các thành viên, xây dựng phương án sản xuất gắn với số lượng, quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, có sản lượng hàng hoá lớn, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá bán có lãi, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như xúc tiến thương mại, công nghệ, đào tạo, tín dụng...
"Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt gần 54%, tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 3,5 triệu đồng. Điều này cho thấy, KTHT, HTX ở các địa phương đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức chính trị - xã hội", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo phấn khởi cho biết.
Phạm Duy