Là địa bàn vùng chiên trũng ở Ninh Bình, huyện Gia Viễn gần đây chú trọng phát triển mới mô hình HTX thủy sản, hỗ trợ nhiều hộ thành viên đầu tư, mở rộng quy mô thâm canh nuôi trồng thủy sản, từ đó tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ lực nghề thủy sản
Theo phản ánh của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, huyện Gia Viễn thời gian qua đã xác định nuôi trồng thuỷ sản là nghề chủ lực, một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, các cấp ngành ở Gia Viễn huy động nhiều nguồn lực, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ công nghệ mới, đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề thuỷ sản theo hướng bền vững, tăng giá trị và thu nhập cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.
Thống kê ở huyện có 1.600 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại các xã Gia Tân, Gia Lập, Gia Vân, Gia Xuân, Gia Phương, Gia Hòa, Gia Minh. Những xã này có ưu thế giao thương thuận tiện, địa hình bằng phẳng, hệ thống ao hồ tập trung và phù hợp nuôi trồng các giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, trắm cỏ, chép…
Hưởng ứng chủ trương của huyện, các hộ dân có thâm niên nghề thủy sản, nay đã mạnh dạn chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh nhiều giống thủy sản nước ngọt, chú ý phòng bệnh, vệ sinh ao nuôi thường xuyên… Do đó nghề thủy sản ở Gia Viễn dần ổn định về diện tích, tăng về năng suất và sản lượng. Ước bình quân mỗi năm, tổng sản lượng thu hoạch cá, tôm của huyện đạt 3.000 tấn, quy giá trị đạt gần 90 tỷ đồng.
Để phát huy ưu thế nghề thủy sản chủ lực, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình chủ động phối hợp các cấp ngành sở tại vận động, tư vấn phát triển các HTX và Tổ hợp tác thủy sản. Trong đó có một số mô hình đang hoạt động hiệu quả, như HTX Đoàn kết Vân Long, HTX Nuôi trồng thuỷ sản Gia Hoà và HTX Nuôi trồng thuỷ sản Gia Tân.
Đặc biệt, để thực hiện cuộc vận động chống thực phẩm bẩn, nhiều thành viên HTX đều hướng tới sản phẩm đầu ra của HTX phải đảm bảo được tiêu chuẩn thủy hải sản sạch.
Nhiều hộ thành viên đạt sản lượng 27-30 tấn/ha, như ở xã Gia Tân có các hộ thành viên ông Phạm Trung Sơn, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Hồng Giang, Vũ Văn Thơ… Cụ thể, tại đầm nuôi của ông Vũ Văn Thơ đã áp dụng kỹ thuật nuôi cá trắm ốc cho sản lượng gần 3 tỷ đồng/ha, cao hơn 3 lần so với cách nuôi thông thường.
![]() |
Mô hình HTX kiểu mới với nghề thủy sản chủ lực ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình)
Vai trò của Liên minh HTX
Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh Doanh, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết: Gia Viễn có hơn 50 HTX các loại hình. Riêng lĩnh vực thủy sản hoàn toàn là các HTX kiểu mới, được Liên minh HTX tỉnh vận động, tư vấn thành lập, và tập huấn cách vận hành cho 100% số HTX. Hiện đa số HTX thủy sản ở huyện được Liên minh hỗ trợ vốn ưu đãi để đầu tư thâm canh và nâng cấp cơ sở hạ tầng hồ ao nuôi trồng thủy sản.
Bà Lê Thị Tâm kể rằng qua đợt lũ lụt vừa rồi ở Ninh Bình, bà con nuôi thủy sản ở Gia Viễn càng thấy rõ hiệu quả và kinh nghiệm mô hình nuôi trồng có thâm canh. Hầu hết các hồ nuôi đầu tư tốt hạ tầng, có lưới vây bao quanh đều giảm thiểu thiệt hại do nước lũ tràn bờ gây ra… Thực tế ở Ninh Bình, Liên minh HTX tỉnh đi sâu sát cùng Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể huyện Gia Viễn, phối hợp với Chi cục Thủy sản và các phòng, ban tăng cường công tác và triển khai nhiều dự án thử nghiệm các giống cá mới, đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ người dân về vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, UBND huyện Gia Viễn cũng chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra chất lượng con giống, nhằm giúp nông dân sản xuất thuận lợi, hạn chế những thiệt hại, dịch bệnh do con giống và vật tư kém chất lượng gây ra.
Tiếp tục phát triển nghề chủ lực thủy sản, tới đây Gia Viễn đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản theo quy trình an toàn. Đồng thời, huyện triển khai cụ thể hơn các chính sách khuyến khích chuyển đổi từ cách nuôi, giống nuôi theo truyền thống… sang thâm canh các giống cá mới cho năng suất cao, nhất là đầu tư quy mô hạ tầng ao nuôi, bảo đảm an toàn cấp thoát nước phù hợp địa bàn vùng trũng khi cần thoát lũ.
Lưu Đoàn