Sẵn có diện tích mặt nước, lại có chút vốn liếng tích cóp nên từ năm 2006, anh Khánh bắt đầu nuôi ba ba, chủ yếu là nuôi sinh sản. Ban đầu, gia đình anh gặp không ít những khó khăn do chưa có kinh nghiệm, ba ba bị chết rất nhiều; giá cả phụ thuộc vào thị trường nên bấp bênh.
Sau khi được UBND huyện tổ chức lớp tập huấn và mời thầy giáo ở khoa thuỷ sản Trường Đại học Nông Nghiệp hướng dẫn một số cách chăn nuôi, anh Khánh thay đổi cách chăm sóc, từ đó thiệt hại hạn chế đi rất nhiều.
Thành công với con ba ba
Gia đình anh tiến hành đầu tư tổng diện tích nuôi ba ba 4.000 m2, với 220 cặp ba ba sinh sản và một số ba ba nuôi thịt. Chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng với mô hình nuôi trồng ba ba lúc đó của anh hết hơn 1 tỷ đồng. Trung bình một cặp ba ba sinh được 25 – 30 con giống/ năm, sản lượng ba ba của gia đình anh đạt hơn 3.000 con giống.
Những năm trước, khi giá cả còn cao khoảng 2,5 triệu đồng/ cặp bố mẹ, 800.000 đồng/kg con giống và gần 2 triệu đồng/kg ba ba thịt, nguồn thu của gia đình anh Lê Trọng Khánh khoảng 600 – 700 triệu đồng/năm.
Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận anh thu về khoảng 300 triệu đồng. Tính hiệu quả kinh tế so với các vật nuôi thủy sản, cây trồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì nuôi ba ba có thu nhập cao, tuy nhiên đòi hỏi người nuôi cũng phải có vốn và kỹ thuật nuôi.
Khi nắm bắt được kinh nghiệm nuôi, anh Khánh còn phổ biến đến người dân địa phương phát triển nuôi trồng ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Năm 2012, với sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Khánh đã tập hợp 15 thành viên tự nguyện liên kết làm ăn, tự chủ tài chính thành lập HTX Hương Son.
Anh Khánh cho biết: “Thành lập HTX chủ yếu là đoàn kết, giúp đỡ nhau khâu sản xuất, kỹ thuật và tiêu thụ. Mỗi thành viên đóng góp một số tiền nhất định vào quỹ để thăm hỏi, động viên. Trong quá trình chăn nuôi nếu thành viên có vướng mắc về kỹ thuật, HTX sẽ họp bàn để có cách tháo gỡ…”.
Ngay khi ra đời, HTX nuôi 5 ha thủy sản, trong đó 3 ha là nuôi ba ba còn lại là các loại thuỷ sản khác. HTX thành lập đã giúp cho việc kinh doanh ba ba của các hộ gia đình ổn định, ít tổn thất. Với đầy đủ tư cách pháp nhân, việc tiêu thụ ba ba của các thành viên cũng thuận tiện hơn trước. Anh Hà Đình Hệ – thành viên HTX chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX, tôi được rất nhiều thuận lợi về đầu ra”.
So với các cây trồng, vật nuôi thủy sản, nuôi ba ba có thu nhập cao hơn |
Thử nghiệm thêm loài cá quý
Để đa dạng sản phẩm, năm 2014, HTX Hương Son đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá Lăng chấm thương phẩm trong ao tại xã Nà Nghịu. Loài cá quý hiếm hoang dã vốn chỉ sống ở sông Đà, sông Mã, nay được nuôi thử nghiệm thành công ở ao đất tại HTX, đã mở ra một hướng làm giàu mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây.
Trước và trong quá trình nuôi, các thành viên tham gia nuôi cá của HTX đã được tập huấn, tiếp nhận kỹ thuật nuôi từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, thường xuyên theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng và phát triển của cá Lăng chấm. Sau 20 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 99,74 %, tăng trưởng trung bình 100 gam/con.
Với mật độ nuôi 1 con/m2, sản lượng cá Lăng chấm nuôi trong ao khi thu hoạch đạt 10 tấn, giá bán trung bình 300.000 đồng/kg, tổng doanh thu uớc đạt 3 tỷ đồng. Tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư là 24,77%; tỷ lệ lãi ròng so với tổng doanh thu là 35,57%.
Bà Phạm Thị Bảo – bản Hương Mai, xã Nà Nghịu, cho biết: “Loài cá này sống chủ yếu ở hệ thống sông Mã, sông Đà, nay được thuần dưỡng và nuôi trong ao đất, lúc đầu chúng tôi nghĩ sẽ khó thành công. Nhưng khi nuôi chúng lại thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của huyện Sông Mã, đặc biệt chịu đựng rất tốt với môi trường nước lạnh, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc”.
Việc nuôi thử nghiệm thành công cá Lăng chấm thương phẩm trong ao không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo tồn giống cá quý hiếm hoang dã, mà còn mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước ngọt tại huyện Sông Mã.
Hoàng Lê