Việc chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm hàng hóa ở xã Hồng Tiến chỉ diễn ra những năm gần đây. Đợt dịch Covid-19 ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua đã khiến HTX gặp không ít khó khăn vì “bí” đầu ra. Các thành viên phải nuôi cầm chừng cho đến khi thị trường đi vào hoạt động bình thường mới xuất được.
Niềm tin trong sản xuất
Hiện, HTX đẩy mạnh tái sản xuất với hy vọng vụ tôm này sẽ gặp “thiên thời, địa lợi” để người nuôi tôm bớt vất vả.
Theo Ban giám đốc HTX, ngoài vốn góp từ các thành viên, HTX tranh thủ các nguồn vốn đối ứng để phục vụ đầu tư nuôi 15 ha tôm theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao nhằm giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với bảo đảm ATLĐ và vệ sinh môi trường.
Để giúp thành viên nuôi tôm năng suất cao và hạn chế dịch bệnh phát sinh, ngay từ đầu vụ, HTX hướng dẫn công tác cải tạo ao đầm, đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ về giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản cho các hộ nuôi.
Vào những đợt nắng nóng, thời tiết thay đổi bất thường, HTX khuyến cáo thành viên chú trọng theo dõi chất lượng nước ao nuôi và tình hình sức khỏe con nuôi; tính toán mật độ nuôi phù hợp; bổ sung nước thường xuyên trong ao nuôi. Nước trước khi cấp vào ao phải được xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Các thành viên chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất |
Hầu hết các thành viên đều tăng cường sử dụng quạt nước, sục khí để làm mát và tạo oxy trong ao. Song song đó là căng, phủ lưới đen phía trên mặt ao để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi.
Theo anh Hoàng Xuân Trường, thành viên HTX, được HTX tư vấn, anh đã giảm lượng thức ăn cho tôm để hạn chế chất thải dư thừa. Thay vào đó là bổ sung khoáng chất và các loại vitamin vào khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Các thành viên đều tuân thủ việc định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Việc đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học giúp các thành viên giảm những bất lợi từ thời tiết. Đây cũng là hướng đi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Anh Trường cho biết, khu vực nuôi rộng 1.200 m2 được anh chia làm 3 ao: ao lắng, ao cấp và ao nuôi tôm. Trong ao nuôi được trang bị hệ thống quạt nước, tạo oxy. Nhờ áp dụng theo hướng an toàn sinh học, từ 2 vụ/năm, đến nay anh đã thực hiện nuôi 3 vụ/năm. Sản lượng tôm trung bình năm 2019 đạt 7- 8 tấn, trừ các khoản chi phí, anh thu về tới 300 triệu đồng.
Không chỉ anh Trường mà các thành viên HTX Hồng Tiến đều vững niềm tin vào mô hình sản xuất này, vì con tôm vốn phù hợp với vùng đất bị nhiễm mặn. Nếu thời gian tới, biến đổi khí hậu khiến diện tích đất sản xuất bị nhiễm mặn gia tăng thì tôm vẫn là vật nuôi chủ đạo giúp người dân nâng cao đời sống.
An toàn được đặt lên hàng đầu
Ông Cao Hải Đường, Phó Giám đốc HTX Hồng Tiến cho biết, để việc nuôi tôm được thuận lợi, HTX đã mời các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Chi cục thủy sản Thái Bình về phổ kiến thức cho các hộ nuôi tôm, đồng thời đẩy mạnh mối liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Điểm đáng chú ý là khi đầu tư vào mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học, các hộ đều sử dụng mô tơ điện để chạy quạt nước, dẫn đường dây điện ra khu vực ao nuôi. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại thì đây cũng chính là khâu tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ trong sản xuất.
Theo ban giám đốc HTX, thực tế tại địa phương đã xảy ra tai nạn do nguồn điện ở khu vực ao nuôi thiếu an toàn. Có trường hợp tử vong do đường dây điện bị hở.
Với mong muốn bảo đảm ATLĐ trong sản xuất thủy sản, HTX phối hợp với ngành điện lực địa phương để người dân được tư vấn về mặt kỹ thuật trước khi lắp đặt hệ thống điện.
Để duy trì các ao nuôi tôm, các hộ thành viên cần sử dụng nguồn điện hợp lý, an toàn |
Các thành viên đều dùng dây bọc cách điện và bảo đảm loại dây đủ tải để vừa giảm tốn kém điện năng vừa hạn chế hư hỏng thiết bị điện.
Cầu dao, công tắc, ổ cắm đều được đặt ở nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng, tránh được mực nước xâm phạm. Các trụ đỡ dây điện bằng gỗ, mục, không vững hay gắn trên cây xanh đã được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là các trụ bê tông đúc sẵn để giải quyết vấn đề dây điện thòng lòng trên đầu người hay rải trên mặt đất dọc các ao tôm.
HTX cũng thường xuyên nhắc nhở thành viên kiểm tra hệ thống điện để sửa chữa, thay thế kịp thời các thiết bị điện, dây dẫn bị hư hỏng, tróc vỏ cách điện. Để bảo đảm ATLĐ, HTX cũng khuyến cáo thành viên nhờ sự hỗ trợ từ ngành điện lực địa phương, vì đây là công việc đặc thù và phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Việc bảo đảm yếu tố ATLĐ giúp giảm thiểu những nguy hiểm cho con người trong quá trình sản xuất, từ đó thúc đẩy HTX nói riêng và ngành thủy sản địa phương nói chung phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Huyền Trang