![]() |
Quá trình cơ giới hóa đang nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại Long An (Ảnh TL) |
Hiệu quả từ cơ giới hóa
Hơn một thập kỷ qua, sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại Long An.
Cùng với việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị, nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững, đảm bảo ATLĐ.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực gắn với hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ như vùng chuyên canh rau, lúa, thanh long...
Đơn cử, đối với cây lúa, các khâu làm đất cơ giới hóa 100%, thu hoạch trên 98% chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp, sấy khô hạt trên 70% sản lượng…
HTX Gò Gòn chính thức triển khai thực hiện cánh đồng lớn từ năm 2013. Đúng với vị thế của một đơn vị kinh tế hợp tác hàng đầu của tỉnh, HTX đang xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất với mô hình liên kết “4 nhà” (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước) rất hiệu quả.
Ông Trương Hữu Trí - Giám đốc HTX Gò Gòn, cho hay trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, cuối vụ cân lúa khấu trừ không tính lãi.
Đặc biệt, nhờ liên kết “4 nhà”, HTX mở ra môi trường làm việc thuận lợi, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, nông dân liên kết. Kết quả rõ nhất là các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm mạnh.
“Nếu như trước đây, việc sử dụng máy móc, nông cụ hoàn toàn tự phát khiến người lao động của HTX thường xuyên bị thương do liềm cắt, máy cày, máy cấy gây ra, thì nay với những đợt tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ, các vụ tai nạn gần như không còn”, ông Trương Hữu Trí nhấn mạnh.
![]() |
Các mô hình nông nghiệp sẽ được phát triển theo hướng chất lượng cao và an toàn nhằm gia tăng lợi nhuận cho người dân (Ảnh TL) |
Tiếp đà phát triển
Hiệu quả của quá trình cơ giới hóa gắn với ATLĐ đang giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh Long An, cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều phát triển, đạt hiệu quả. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao.
Không chỉ có sản xuất lúa, các mô hình trồng thanh long, rau an toàn cũng có bước đột phá. Huyện Cần Đước đang là điểm sáng của tỉnh Long An trong phát triển mô hình trồng rau an toàn với sự đồng hành của các HTX.
HTX rau an toàn Phước Hòa hiện có 42 thành viên, tổng diện tích sản xuất trên 14 ha, là một thành viên của Liên hiệp HTX Cần Đước. Nhờ hoạt động tích cực, HTX đã được tỉnh hỗ trợ 30% vốn để đầu tư xây dựng 500m2 nhà màng, mua máy gieo hạt và hệ thống tưới nước tự động để sản xuất rau thủy canh.
Ông Kiều Anh Dũng – Giám đốc HTX Phước Hòa, cho hay trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, liên kết là hướng đi tất yếu để các HTX gia tăng nội lực, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với ATLĐ nhằm mang đến những lợi ích bền vững cho thành viên, nông dân.
Hiện, 100% thành viên, người lao động trong HTX khi tham gia vào các công đoạn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe như phun tưới nước, vận hành máy, sử dụng điện, vận chuyển… đều có trang bị đồ bảo hộ như ủng, găng tay, khẩu trang để đảm bảo ATLĐ, nâng cao hiệu quả công việc.
Với những kết quả đang có, thời gian tới, tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa gắn với ATLĐ vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhằm nâng cao hiệu quả, gia tăng thu nhập cho nông dân.
Sáu Ngạn