Nghề mây tre đan ở thôn Xuân Hội có truyền thống nhiều thế hệ. Theo ghi chép, từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người dân nơi đây đã có nghề đan các loại từ mây tre, nứa mai, vầu, song mây để sản xuất ra các loại quạt nan, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà… phục vụ đời sống.
Khôi phục nghề truyền thống
Sau thời gian bị mai một, những năm gần đây, được sự quan tâm của các ban, ngành địa phương, hiệu quả của làng nghề cùng các HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh ở thôn Xuân Hội đang có nhiều khởi sắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Nghề mây tren đan đang khởi sắc trở lại ở Xuân Hội nhờ hoạt động của làng nghề, HTX (Ảnh T) |
Theo thống kê của UBND xã Lạc Vệ, khoảng 80% trong tổng số hơn 700 hộ dân ở thôn Xuân Hội đang sản xuất các mặt hàng mây tre đan.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, bên cạnh những sản phẩm đơn giản như chổi, tăm tre, quạt nan…, người dân địa phương đã tích cực tìm tòi, cải tiến mẫu mã, sản xuất ra các sản phẩm mới, phong phú về mẫu mã, chủng loại như túi xách, làn, lọ hoa, đồ trang trí… với công nghệ sơn dầu bóng, đẹp.
Mỗi ngày, các hộ dân làng nghề, HTX sử dụng khoảng10 tấn nguyên liệu để sản xuất mây tre đan, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở nhiều lứa tuổi, với thu nhập bình quân 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng cơ sở chuyên sản xuất đồ mây tre đan tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Nga và một số nước Châu Âu.
Toàn thôn hiện có 2 doanh nghiệp, 3 HTX chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan. Năm 2019, làng nghề sản xuất khoảng trên 1,4 triệu sản phẩm mây tre đan các loại, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và đóng góp lớn vào kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu, hàng trăm hộ dân thôn Xuân Hội đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu, trở thành hộ khá giả.
Ông Nguyễn Thế Du đã có gần 30 năm làm nghề mây tre đan. Hiện tại, gia đình ông có 3 lao động làm nghề, vào lúc cao điểm có thể thuê thêm 3 – 5 lao động thời vụ. Kể từ năm 2015 đến nay, nhờ thị trường ổn định, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu, sau khi trừ chi phí.
Theo ông Du, sản phẩm của nhà ông chủ yếu là lẵng hoa, túi xách phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm hiện đều được HTX mây tre đan Phùng Hưng hỗ trợ, gia đình chỉ cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình, làm ra những sản phẩm đẹp để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thêm động lực để phát triển
HTX mây tre đan Phùng Hưng hiện là một trong 2 cơ sở sản xuất, tiêu thụ mây tre đan lớn bậc nhất trên địa bàn thôn Xuân Hội, chuyên cung cấp vật tư nguyên liệu, mẫu mã các loại sản phẩm và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Với chất lượng cao, sản phẩm mây tre đan Xuân Hội đang được thị trường ưa chuộng (Ảnh TL) |
Để nâng cao tay nghề và truyền nghề một cách hệ thống, HTX mây tre đan Phùng Hưng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là phụ nữ trên địa bàn. Người học không phải trả học phí, hàng tháng mức lương được tính theo năng suất của sản phẩm.
Các lớp học của HTX nhiều năm qua thu hút đông đảo người dân tham gia. Kết thúc khoá học, các học viên lại tiếp tục tham gia làm hàng cho HTX, hoặc có thể tự mở cửa hàng, cơ sở sản xuất riêng để khởi nghiệp làm giàu.
Anh Đặng Ngọc Phùng, Giám đốc HTX mây tre đan Phùng Hưng, chia sẻ đối với thị trường nước ngoài để xuất khẩu, ngoài việc luôn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, HTX phải luôn tìm những mẫu mã mới để áp dụng.
Việc ổn định thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu giúp HTX nâng cao thu nhập cho thành viên. 100% thành viên HTX hiện có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng năm, sau khi trừ chi phí.
Hiện, HTX cũng đang có gần 100 hộ liên kết là các hộ lấy hàng về nhà làm sau đó bán lại cho HTX. Hầu hết các hộ đang có thu nhập ổn định.
Nghề mây tre đan rõ ràng đang cho thấy hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Do đó, để khuyến khích, hỗ trợ làng nghề phát triển, chính quyền địa phương đang tạo điều kiện về vốn vay, đào tạo nghề cho lao động, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu tập thể thông qua website: maytredanxuanhoi.com và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các cấp, ngành quản lý cũng tích cực mở rộng hệ thống đường giao thông, điện phục vụ sản xuất, giúp các doanh nghiệp, HTX và các hộ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, góp phần phát triển làng nghề bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
Hưng Nguyên