Từ sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả này, khu vực kinh tế hợp tác đã phát huy được vai trò tập hợp, liên kết các hộ dân trên địa bàn tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại và bền vững, đảm bảo lợi ích cho các thành viên HTX và tổ hợp tác, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc.
Đồng hành cùng HTX
Thực hiện Chương trình OCOP, TP Gia Nghĩa đã xác định xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: cà phê, sầu riêng, măng cụt, chanh dây, bơ, hồ tiêu, rượu cần, thổ cẩm, du lịch homestay. Các sản phẩm này do 8 tổ chức, doanh nghiệp, HTX, trang trại trên địa bàn sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc định hướng sản xuất, TP Gia Nghĩa đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các đơn vị này thực hiện các sản phẩm OCOP.
Hồ tiêu là một trong những sản phẩm đặc trưng được đưa vào Chương trình OCOP (Ảnh: TL) |
Cụ thể, TP Gia Nghĩa đã triển khai hỗ trợ 700m2 nhà kính cho 2 thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 3 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Năm 2019, Thành phố đã hỗ trợ nguyên liệu đầu vào cho Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia và Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia.
Các sản phẩm tiêu biểu của những đơn vị khác trên địa bàn như cà phê, đông trùng hạ thảo được TP Gia Nghĩa hỗ trợ tổng cộng 3.780 bao bì đóng gói sản phẩm, 50.251 tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Thành phố cũng phối hợp cơ quan chức năng cấp chứng nhận UTZ cho cà phê của 40 thành viên và hộ liên kết thuộc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông...
Hiện nay, đối với các sản phẩm đặc trưng đã được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, TP Gia Nghĩa đang tập trung liên kết, tìm kiếm, kết nối đầu ra, tạo bước đột phá để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa cho biết, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là các HTX và tổ hợp tác. Việc triển khai Chương trình còn góp phần phát triển kinh tế theo hướng phát huy các thế mạnh sẵn có, nâng cao giá trị các sản phẩm, bảo vệ môi trường một cách bền vững.
“Đầu tàu” tạo động lực
Đến nay, trên địa bàn TP Gia Nghĩa có hàng chục mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, với các sản phẩm có tiềm năng được xếp hạng “sao” cấp tỉnh. Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đã tập hợp những nông dân cùng chí hướng sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm chủ yếu là cà phê và hồ tiêu. HTX hiện có gần 120 hộ nông dân làm thành viên liên kết sản xuất tại địa bàn Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk Song, với 275ha cà phê và trên 100ha hồ tiêu.
Kinh tế hợp tác có nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP (Ảnh: TL) |
Một điển hình khác là HTX Hồ tiêu hữu cơ Đắk R’moan, thành lập cuối năm 2017 với mục tiêu sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, hiện có 8 thành viên tham gia với trên 17ha. HTX đã từng bước giúp nông dân tiếp cận với các ứng dụng khoa học và việc trồng, chăm sóc hồ tiêu. HTX còn sử dụng Google Maps để định vị và quản lý vườn của các hộ dân.
Trong khi đó, HTX Nông nghiệp Đắk Tân liên kết với nông dân trồng 10ha chanh dây trong nhà lưới và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi ha thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các hộ dân trồng khoảng 80ha bí đỏ, bí xanh, mướp hương, bầu, dưa leo, cà chua cung cấp cho các công ty sản xuất hạt giống.
Đặc biệt là mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp hữu cơ An Tâm, phường Nghĩa Đức. Khu du lịch canh nông của HTX có quy mô 20ha, trong đó khu du lịch đã hình thành vùng nguyên liệu cây ăn trái gần 10ha, với khoảng 20 loại trái cây như: mít, ổi, xoài, cam, bưởi, nhãn…
Ngoài ra, để thu hút khách du lịch, HTX còn đầu tư chăn nuôi, sản xuất các loại thực phẩm sạch nhằm chế biến các món ăn phục vụ du khách. Thời gian qua, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ của UBND TP Gia Nghĩa trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Cụ thể, TP Gia Nghĩa đã hỗ trợ HTX xây dựng gần 1.000m2 nhà kính để chuyên sản xuất rau sạch phục vụ khách du lịch.
Theo Giám đốc Lê Đình Hồ, mỗi tuần khu du lịch đón khoảng 500 - 1.000 khách tới tham quan, là kết quả được HTX đánh giá là rất thành công đối với một mô hình du lịch canh nông. Ngoài sự nỗ lực của các thành viên trong HTX, chính sự đồng hành của TP Gia Nghĩa đã giúp đơn vị có thêm điều kiện để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa sản phẩm của mình từng bước đến với khách hàng.
Tương tự, 7 thành viên của Tổ hợp tác sản xuất rượu cần Đắk Nia đã cùng nhau sản xuất rượu cần truyền thống chất lượng cao nhiều năm qua. Các thành viên trong tổ đã sản xuất rượu cùng một công thức. Mỗi tháng, Tổ hợp tác cho ra lò khoảng 50 ché rượu cần chất lượng cao. Đến nay, Tổ hợp tác đã tham gia chương trình OCOP và đã được UBND TP Gia Nghĩa hỗ trợ 200 ché để làm rượu cần, hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc... Bà H'Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia cho biết, đơn vị rất mong muốn sản phẩm rượu cần sẽ được nhiều người biết đến và được kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đức Nguyễn