Ngoài sản xuất lúa, cung cấp các dịch vụ đầu vào và đầu ra trong sản xuất, HTX Mường Toong còn phát huy thế mạnh địa phương trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Từ chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi
Với đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng nghìn con, được chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học, HTX đã chủ động hướng dẫn người dân, thành viên đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết bài toàn ô nhiễm môi trường.
HTX đang chủ động trong khâu sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm |
Nhận thấy, trong những năm gần đây, giá gia súc, gia cầm trên thị trường thường xuyên biến động thất thường, trong khi giá các loại thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y lại không giảm mà chỉ tăng, gây khó khăn cho người nông dân.
Để có lãi, người chăn nuôi buộc phải giảm chi phí đầu vào càng nhiều càng tốt. Chính vì lẽ đó, HTX đã không ngại đầu tư dây chuyền máy ép cám viên 3A phục vụ công đoạn chế biến thức ăn cho vật nuôi.
Dây chuyền máy ép cám viên là tổ hợp các thiết bị riêng rẽ như máy nghiền cám, máy ép cám viên nổi, máy ép cám viên trục đứng… được bố trí hợp lý và sắp xếp khoa học để tạo thành chuỗi dây chuyền vận hành liên tục các công đoạn, hỗ trợ HTX cơ giới hóa công tác chế biến thức ăn chăn nuôi.
Nguyên liệu sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm là những phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như: ngô, đậu đỗ, cám gạo, đỗ tương được nghiền nhỏ trộn thêm các loại cá tạp, ốc bươu vàng… sau đó đưa vào máy làm chín và ép thành viên.
Tính ra, chi phí tự sản xuất 1kg cám này chỉ khoảng 8.000 đồng, thấp hơn khoảng 3.000-4.000 đồng/kg so với mua cám công nghiệp. Nếu được phơi khô thì cám tự trộn này có thể sử dụng trong 2 - 3 tháng.
Việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp HTX có thể tiết giảm chi phí một cách tối đa vì tận dụng được hầu hết nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương lại không tốn kém chi phí vận chuyển.
Trung bình mỗi mẻ HTX trộn khoảng 130 - 150 kg, thời gian diễn ra 5 – 10 phút mà vẫn đảm bảo chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của từng lứa tuổi trong đàn vật nuôi. Nhờ vậy, vật nuôi phát triển đồng đều, tăng trưởng theo đúng mức khuyến cáo.
Mỗi ngày, lượng thức ăn HTX cần có để cung cấp cho đàn gia súc, gia cầm là khoảng 2,5 tấn. Tuy nhiên, việc tự sản xuất thức ăn giúp HTX tiết kiệm khoảng 3-4 triệu đồng/ngày lại có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.
Đến chú trọng ATLĐ trong sản xuất
Việc đẩy mạnh sử dụng dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi không chỉ giúp HTX bảo đảm quy trình sản xuất an toàn sinh học mà còn giúp giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, khi sử dụng máy móc, nếu không quan tâm đến vấn đề ATLĐ, người chịu thiệt hại đầu tiên chinh là người lao động và các thành viên HTX.
Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động cho các thành viên và người lao động trong quá trình tiếp xúc với máy móc. Ngay từ khi mua máy, HTX đã mời đơn vị cung cấp về lắp đặt và hướng dẫn các thành viên vận hành, điều khiển máy móc theo đúng nguyên lý, quy trình.
Hiện, lao động tham gia trực tiếp vào sản xuất, chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm đều phải trải qua lớp học kiến thức ATLĐ theo quy định và có xác nhận tập huấn kiến thức ATLĐ do cơ sở có thẩm quyền cấp. Hàng năm, HTX đều tạo điều kiện để thành viên, người lao động được học tập bổ sung và cập nhật kiến thức về sản xuất an toàn.
Thành viên HTX được doanh nghiệp hướng dẫn sử dụng máy móc |
Theo Ban giám đốc HTX, tuy hệ thống máy móc chưa phải là lớn so với các doanh nghiệp nhưng khi vận hành không bảo đảm vẫn có thể gây ra tai nạn lao động đáng tiếc. Ngay việc kiểm tra nguồn điện trước khi vận hành máy móc, không để máy làm việc quá tải và rút ngay điện sau khi máy làm việc xong cũng là những bước quan trọng giúp thành viên bảo đảm sức khỏe, tính mạng.
Nhờ sự chủ động của HTX trong việc tuyên truyền, nhắc nhở nên các thành viên đã quan tâm đến các quy tắc ATLĐ. Đặc biệt, khi hệ thống máy móc bị dừng, hỏng trong quá trình sản xuất, các thành viên đều phải tắt máy, rút điện trước khi kiểm tra.
Anh Khoàng Văn Cớm, Giám đốc HTX, cho biết việc nắm bắt thông tin, tập huấn, nhắc nhở về ATLĐ tưởng chừng như đơn giản nhưng có tác dụng rất lớn, giúp người lao động từng bước nâng cao nhận thức, hạn chế lúng túng khi chẳng may xảy ra tại nạn lao động.
Nhờ chú trọng đầu tư cho sản xuất, bảo đảm ATLĐ, mô hình sản xuất của HTX Mường Toong đang dần tạo dựng được vị trí và thương hiệu trên thị trường, đồng thời liên kết được với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra, từ đó góp phần không nhỏ vào quá trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Như Yến