Nghệ nhân dân gian (NNDG) Hoàng Thị Nhật (67 tuổi), hiện là Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang (thôn Chang, xã Xuân Giang- Quang Bình- Hà Giang). Không chỉ dệt, thêu những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc, NNDG Hoàng Thị Nhật còn đi đầu trong việc lưu giữ, truyền nghề và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại địa phương.
Lưu giữ, phát triển nghề truyền thống
Sinh ra, lớn lên trong gia đình truyền thống của đồng bào Tày xã Xuân Giang, từ nhỏ bà Hoàng Thị Nhật đã quen với hình ảnh các bà, các mẹ ngồi cần mẫn thêu, dệt những tấm vải để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày hoặc mang ra chợ phiên bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Cũng nhờ những mảnh vải dệt của bà, của mẹ mà sở thích thêu thùa trong bà cứ lớn dần. Với đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ, ở tuổi 12 – 13, bà Nhật đã dệt được những tấm vải hoa chăn, hoa gối đẹp mắt. Ban đầu bà Nhật chỉ dệt cho gia đình dùng, tuy nhiên do số lượng người dệt trong bản giảm dần nên bà dệt thêm bán cho người dân trong thôn bản và du khách thập phương.
Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nhật |
Với mong muốn lưu giữ, phát triển nghề dệt truyền thống, bà Nhật đã thành lập HTX dệt thổ cẩm Mường Chang vào năm 2012, thu hút 26 thành viên là những người có kinh nghiệm trong dệt thổ cẩm.
Ngoài sáng tạo ra những sản phẩm thổ cẩm giá trị, hiện bà đang cùng các thành viên tích cực dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho thế hệ trẻ tại địa phương. Bà Hoàng Thị Nhật cho rằng đây là một thế hệ trẻ tiềm năng. Vì còn trẻ, họ có học vấn, có hiểu biết để ghi chép, ghi nhớ những gì đã học, không chỉ bằng trí nhớ mà cả trên sách vở, khác với những người bà, người mẹ của mình ngày xưa. Từ đó, khả năng các bạn còn gắn bó được với nghề này sẽ rất cao. Vấn đề còn lại là làm thế nào chính bản thân các em giữ cho mình niềm yêu thích với nghề truyền thống này.
Để gắn bó được với nghề và có thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm là cả một quá trình cảm nhận, theo dõi, học hỏi, thực hành… Chính vì vậy, theo giám đốc Hoàng Thị Nhật, những lớp học nghề ngắn ngày chỉ cùng cấp được những kiến thức cơ bản, nhanh thì cũng phải 1 - 2 năm người học mới có thể dệt thành thục. Nhưng từ các lớp dạy nghề của HTX, bà Hoàng Thị Nhật lại nhìn thấy được sự quyết tâm, tình yêu với nghề dệt thổ cẩm từ không ít cô gái trẻ.
Không chỉ chú trọng đào tạo nghề, là người phụ nữ dân tộc thiểu số lại giữ nhiệm vụ là giám đốc HTX, lèo lái công việc, lợi nhuận hàng tháng cho hàng chục thành viên là điều không hề dễ dàng.
Giám đốc Hoàng Thị Nhật đã phải tích cực liên kết với các hội đoàn thể ở địa phương để tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện cho HTX vay ưu đãi để phục vụ sản xuất. Để tạo niềm tin cho khách hàng và tăng lượng tiêu thụ, bà Nhật và các thành viên tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm.
Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, vỏ chăn, HTX còn dệt thêm những sản phẩm mới như túi xách, dép, thú nhồi bông, túi đựng điện thoại nhỏ nhắn, đơn giản, tinh tế với những sắc hoa văn truyền thống có giá bán dao động từ 30.000 đồng (dây dao, túi đựng điện thoại) đến cả triệu đồng (mặt chăn, khăn trải bàn).
Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp, chất lượng cao là do Giám đốc Hoàng Thị Nhật kiên trì dùng chất liệu từ tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho những sản phẩm thổ cẩm của người Tày vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng, không bị phai màu, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với sự tâm huyết, nhiệt tình, bà Hoàng Thị Nhật không chỉ đưa sản phẩm ra các chợ phiên địa phương mà còn đem trưng bày ở nhiều Hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, dệt thổ cẩm Mường Chang đã được tiêu thụ ở trong tỉnh, sau đó được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái... đặt mua.
Công đoạn se sợi để dệt lụa của các thành viên HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang. |
Nâng cao đời sống
Lựa chọn con đường xây dựng, phát triển HTX đối với bà Hoàng Thị Nhật là cả một quá trình gian khó. Tuy đã gần 70 tuổi nhưng nhìn lại những gì đã và đang làm được, bà Nhật vẫn tự hào vì sự nỗ lực của bản thân và các thành viên đã góp phần lưu giữ, phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Hiện, không chỉ dạy nghề, phát triển thị trường, hoạt động của HTX đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn giảm nghèo bền vững. Tùy theo tay nghề của mỗi người, mức thu nhập từ nghề dệt là khác nhau. Người có tay nghề cao thuần thục trong thao tác dệt thì có thu nhập cao hơn. “Những người phụ nữ có tay nghề giỏi, có thể dệt được những sản phẩm cao cấp, loại tốt nhất, với giá 1,2 triệu đồng/cái, mỗi tháng trừ chi phí chỉ, họ hưởng lợi khoảng 5,5 triệu đồng – 6,5 triệu đồng. Còn những người dệt cơ bản thì thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.
Điều đặc biệt là khi phát triển theo mô hình HTX, các thành viên còn được Nhà nước hỗ trợ khung dệt và được vay 3 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi để mua nguyên liệu dệt, nhờ vậy, không ít người đã quyết tâm học nghề, gắn bó với nghề truyền thống.
Đây cũng là cách giúp nhiều người có việc làm ổn định hoặc tăng thu nhập đáng kể trong cuộc sống, đặc biệt là chị em phụ nữ. Hiện nay, HTX đã liên kết với HTX du lịch thôn Chang trên địa bàn để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho thành viên, người lao động.
Việc làm của NNDG Hoàng Thị Nhật nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Nếu như trước đây, nghề dệt thổ cẩm của người Tày tại Hà Giang dần bị mai một thì sau khi NNDG Hoàng Thị Nhật thành lập HTX Mường Chang, nghề dệt truyền thống đã từng bước được khôi phục, phát triển. Không chỉ thêm thu nhập cho nhiều hộ dân ở thôn Chang, HTX còn góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Hà Giang đến đông đảo du khách trong, ngoài nước, từ đó thúc đẩy ngành du lịch ở địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Như Yến