Tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, lò gạch thủ công đã trở thành hình ảnh phổ biến và quen thuộc. Nhiều nơi, bà con mất đất ruộng cũng vì lò gạch, ô nhiễm môi trường và sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng cũng vì lò gạch thủ công.
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng bền vững - phát triển gạch bằng sản xuất đất không nung đến năm 2020. Nhiều địa phương đã đưa ra lộ trình loại bỏ các lò gạch thủ công. Thế nhưng, khó khăn lại tiếp tục đặt ra sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công.
Phát sinh nhiều vướng mắc
Theo thống kê của UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), năm 2013, toàn huyện còn 231 lò gạch, ngói thủ công hoạt động tại 8 xã, thị trấn ven sông Phó Đáy và sông Lô. Với mỗi lò đốt 2 - 4 lần/năm. Tổng số gạch sản xuất từ lò thủ công trên địa bàn huyện khoảng 74 triệu viên/năm.
Nguyên liệu sử dụng để đốt gạch, ngói thủ công là than trộn với đất, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và sản xuất của các hộ xung quanh. Vì thế, ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh và huyện, Phòng TN&MT huyện Lập Thạch đã thực hiện công tác xóa lò gạch thủ công trên địa bàn các xã, thị trấn. Tính đến ngày 15/9/2014, Lập Thạch xóa bỏ được 95% lò gạch thủ công tại 8 xã, môi trường từng bước được cải thiện.
Tại tỉnh Phú Yên, trong tháng 3/2016, tỉnh đã thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công bằng biện pháp kiên quyết hơn từ các cấp chính quyền, đó là thực hiện cưỡng chế đối với các lò gạch, ngói đã quá thời hạn hoạt động.
![]() |
Dỡ bỏ lò gạch thủ công không thể một sớm một chiều
Việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch, ngói thủ công tại một số địa phương đã góp phần rất lớn trong cải thiện ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân. Tuy nhiên, sau khi lò gạch thủ công được xóa bỏ, cuộc sống của người dân cũng bị xáo trộn ít nhiều.
Đối với người làm thuê trong các lò gạch, tính trung bình mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Mỗi lò gạch, tùy vào quy mô và mức độ sản xuất sẽ phải thuê 15 - 25 lao động. Tuy nhiên, khi ngừng hoạt động, đa số những lao động này không có trình độ, lại là lao động trung niên, nên việc chuyển đổi nghề và tìm một nghề mới không hề dễ dàng.
Những chủ lò gạch còn gặp khó khăn hơn vì đã đầu tư vốn vào sản xuất trong thời gian dài, chi phí bỏ ra cho mỗi lò gạch là trên dưới 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất ruộng để sản xuất trước đây đều được các chủ lò gạch sử dụng để lấy đất và mặt bằng sản xuất gạch, ngói thủ công nên khi ngừng hoạt động, các chủ lò gạch đều gặp khó khăn bởi đất canh tác không còn, trong khi chi phí để san gạt mặt bằng và cải tạo đất lớn. Nếu có quay trở lại trồng lúa thì cũng không cho năng suất cao, vì đất màu đã bị sử dụng hết.
Cần sự kết hợp của nhiều đoàn thể
Chính sách xóa bỏ lò gạch thủ công, thay vào đó là chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung - lò tuynel còn gặp khó khăn, vì chính sách hỗ trợ chuyển đổi và hỗ trợ sản xuất chưa thực sự đến với ngươi dân.
Việc chuyển đổi sang sản xuất theo công nghệ mới đòi hỏi đầu tư lớn hơn, mỗi lò gạch tuynel, lò sản xuất gạch không nung đòi hỏi nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, khi sản xuất theo công nghệ mới đòi hỏi đội ngũ lao động phải có trình độ, sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình.
Theo ông Nguyễn Văn Bưu - Chủ tịch UBND thị trấn Hiệp Hòa Trung (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên): Về lâu dài, địa phương muốn xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người dân sau khi lò gạch thủ công ngừng hoạt động. Địa phương cần khuyến khích các hộ gia đình chủ động chuyển đổi nghề. Nếu cần, các chủ sản xuất có thể thực hiện chính sách vay vốn tại ngân hàng chính sách của địa phương với thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp.
Cùng với đó, địa phương cần liên kết với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tạo điều kiện để các lao động có điều kiện học nghề mới (như nghề may, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng rau sạch, trồng cây cảnh…) để người dân có việc làm mới, mang lại thu nhập, trang trải cuộc sống.
Có thể thấy, chính sách xóa bỏ, chuyển đổi lò gạch thủ công của Thủ tướng Chính phủ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc của nhiều cấp ngành, nhất là những cơ chế, chính sách hỗ trợ để các chủ lò và người lao động dỡ lò sớm có việc làm và yên tâm, ổn định sản xuất.
Như Yến