Thấy được tiềm năng của loại ớt Ariêu có mùi thơm cay nồng, tháng 5/2014, huyện Đông Giang đã ban hành quyết định về phát triển sản phẩm ớt Ariêu theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Ma Cooih. Tổ hợp tác (THT) sản xuất ớt Ariêu Đông Giang cũng ra đời và thu hút 14 thành viên tham gia với diện tích 6 ha. Đến nay, THT đã phát triển thành HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih và thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thành quả ngọt ngào
Nhờ áp dụng tốt công nghệ và phương pháp canh tác tốt, chất lượng ớt ngày càng được nâng cao, mẫu mã đẹp. Ớt Ariêu vì thế có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, nhiều lúc cung không đủ cầu.
Ông Trần Quốc Trí - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih, chia sẻ: "Với phương thức canh tác hiện đại, ớt Ariêu không bị côn trùng, ốc sên, dế cắn mà có ưu thế vượt trội nhờ hương vị rất riêng thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng vừa phải hấp dẫn người ăn, quả nhỏ chỉ cho một lần cắn.
Qua gần 5 năm triển khai mô hình ớt hàng hóa, chưa bao giờ ớt của HTX bị ế ẩm, mất giá. Ngay cả vào các tháng cao điểm, thị trường tiêu thụ của HTX vẫn ổn định, giá bán cao. Có thời điểm HTX thu hoạch tới đâu, đơn vị thu mua ký hợp đồng tới đó.
Với phương thức sản xuất tiên tiến, chất lượng sản phẩm nâng cao, ớt Ariêu của HTX sản xuất đã được công nhận là phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam, được UBND tỉnh cấp chứng nhận. Đây là động lực để HTX tập trung chăm sóc, vun trồng cây ớt mang hương vị đặc trưng của núi rừng quê hương.
Sản xuất sạch đã nâng tầm thương hiệu ớt Ariêu của HTX Ma Cooih. Thị trường ngày càng được mở rộng, sản lượng ớt liên tục gia tăng. Tùy vào diện tích, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên HTX lãi ít nhất 40 triệu đồng, có hộ lên đến 60 triệu đồng/vụ.
Sản phẩm ớt Ariêu Đông Giang của HTX đã được người tiêu dùng cả nước biết đến |
Cải tạo môi trường
Nhờ đưa giống ớt bản địa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để. Không ít hộ mỗi vụ ớt thu được vài chục triệu đồng.
Với giống ớt bản địa, vượt qua được điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương kết hợp với kỹ thuật canh tác tiên tiến đã cho ra những quả có mùi thơm độc lạ.
Thông qua HTX, ớt Ariêu Đông Giang đã nhiều lần tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài tỉnh và ngày càng được người tiêu dùng ở khắp cả nước biết đến.
Việc đưa giống ớt Ariêu vào trồng theo hướng hàng hóa ở không chỉ nhằm đa dạng hóa cây trồng, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Để hạn chế cây ớt bị mắc các bệnh do côn trùng xâm hại, HTX xử lý theo phương pháp thủ công là rửa lá, không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ bỏ phân chuồng nên rất an toàn.
Các thành viên HTX đã áp dụng các kiến thức, kỹ thuật gieo, ươm cây ớt giống và cách chăm sóc, thu hái. Khi cây ớt con đạt độ cao 10 - 15 cm, cán bộ kỹ thuật xác nhận đủ tiêu chuẩn mới được cung cấp cho các thành viên tiến hành trồng.
Hiện các thành viên đều được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Giang hỗ trợ vốn, giống nên chi phí đầu tư sản xuất không lớn.
Nhằm khắc phục tình trạng mùa nóng ớt ra quả ít do khô hạn, Ban giám đốc HTX đã áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt. Ớt thu hoạch đến đâu đều được HTX đứng ra thu mua. Sau đó, HTX tiến hành sơ chế và thực hiện muối ớt để bán ra thị trường.
Với nhu cầu rộng lớn, HTX đã trồng thêm 20.000 cây ớt Ariêu trên địa bàn 7 thôn, cung cấp khoảng 12 nghìn lọ ớt muối/năm.
Cái lợi lớn nhất của việc canh tác theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP là người dân được làm quen với công nghệ, tiến bộ khoa học, từ đó ý thức được việc sản xuất ra sản phẩm an toàn vừa đảm bảo sức khỏe cho người trồng và khách hàng tiêu dùng và môi trường tự nhiên cũng được cải tạo, bổ sung chất dinh dưỡng sau nhiều năm canh tác.
Thành công của HTX đang tạo ra sức lan tỏa tích cực. Từ số 14 hộ thành viên, đến nay, số thành viên của HTX trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP đã lên đến 30 hộ, nâng tổng diện tích ớt VietGAP lên 10ha.
Như Yến