Vốn là người lính Lữ đoàn 273 tăng thiết giáp của Quân đoàn 3, từ năm 1977, ông Lê Xuân Tình chuyển ngành về Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, làm tại Tổ sửa chữa lò hơi cho đến khi nghỉ hưu, năm 2005.
Bản lĩnh người cựu chiến binh
Nếp sống ngăn nắp thời quân ngũ đã thôi thúc ông Tình tìm đến chính quyền Thị trấn Phong Châu, đề nghị ủng hộ thành lập tổ thu gom rác thải. Có lẽ từ bản lĩnh và phẩm chất người CCB, ông Tình đã dám nhận việc thâu gom rác thải mà nhiều người né tránh. Đã vậy, ông còn tự bỏ tiền ra để đầu tư thiết bị cơ sở ban đầu để hoạt động và tự hạch toán thu chi. Gia đình không đồng tình, nhưng ông đã quyết thì khó có ai ngăn cản được, bởi lẽ “về nhà thấy rác nhiều quá không chịu được”…
Hoạt động từ năm 2006, Tổ thu gom rác thải thị trấn Phong Châu phát triển lên thành HTX Dịch vụ Vệ sinh Môi trường (VSMT) vào năm 2010, do ông Tình làm giám đốc, với 4 thành viên, vốn điều lệ trên 20 triệu đồng.
HTX đã huy động các nguồn lực để đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển rác, công cụ lao động với tổng giá trị đầu tư hơn 100 triệu đồng. HTX triển khai thu gom rác thải sinh hoạt bám theo các trục đường nội thị và mở rộng sang xã Phú Lộc và Phù Ninh.
Trên cơ sở Nghị quyết HĐND tỉnh Phú Thọ về phí VSMT, HTX xin chủ trương hiệp thương với các hộ dân cư trên địa bàn, DN… để thu phí chi trả hoạt động của HTX.
![]() |
CCB Lê Xuân Tìnhvà HTX đã góp phần bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp
Hiện trên địa bàn HTX hoạt động có khoảng 1.500 hộ với 4.500 khẩu mức thu 20.000 đồng/hộ và thỏa thuận với các nhà hàng, DN đóng trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng HTX tiến hành thu gom đưa đi xử lý khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt.
HTX đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội của thị trấn, khu dân cư: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác BVMT. Từ nhu cầu thu gom rác thải ở các khu dân cư ngày càng tăng, địa bàn hoạt động rộng hơn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động là thành viên HTX, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng/năm, bảo đảm ổn định việc làm với mức thu nhập mỗi tháng bình quân 3,5 triệu đồng/người.
Trăn trở về cái kho của HTX
Giám đốc Lê Xuân Tình cho biết: “Cùng với sự phát triển của địa phương, lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu thu gom xử lý rác thải của người dân, năm 2014 HTX đã đầu tư thêm gần 200 triệu để mua xe tải 4,5 tấn chở rác, bình quân thu gom vận chuyển 2 lượt/ngày buổi sáng từ 6h - 9h, buổi chiều từ 13h - 21h.
Rác thải thu gom được vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì, từ đó đã góp phần giải quyết đáng kể lượng rác tồn đọng ở khu dân cư, khu vực các chợ trên địa bàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời tạo thêm công ăn, việc làm cho các thành viên…”.
Ông Tình cho rằng hoạt động của HTX chủ yếu mang tính công ích công cộng, không vì lợi nhuận nên đối với những hộ gia đình chính sách như thương binh, già cả neo đơn hay hộ nghèo đều được HTX miễn giảm. Trong khi đó, HTX vẫn phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thu nộp ngân sách với Nhà nước.
Ngoài ra, HTX cũng tham gia tích cực công tác xã hội trên địa bàn như ủng hộ ngày thương binh liệt sỹ 27/7, hoạt động CCB...
Theo ông Tình, cái khó lớn nhất của HTX đến nay là chưa có trụ sở làm việc, xe đi về vẫn để ven đường chịu mưa nắng, dẫn đến phải đầu tư sửa chữa nhiều. HTX hoạt động lời ăn, lỗ chịu, chưa được sự hỗ trợ nào so với các đơn vị cũng hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong khi lượng rác ngày càng tăng, tiêu hao nhiên liệu vận chuyển lớn, cộng với chi phí nhân công, đầu tư phương tiện, phí xử lý rác…
Dù khó khăn như thế, HTX vẫn đang phải nỗ lực để duy trì hoạt động. Mong muốn của HTX lúc này là sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trụ sở hoạt động, hỗ trợ đầu tư mua sắm phương tiện thu gom vận chuyển rác theo quy chuẩn, để góp phần bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hải Đoàn