Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2011, HTX ban đầu có 7 thành viên, chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và dịch vụ vật tư nông nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Đảm bảo chất lượng
Trong những năm gần đây, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng do HTX cung cấp đã góp phần tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ giống cây trồng là vấn đề được HTX hết sức quan tâm.
Hội đồng quản trị HTX tiến hành xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng quản lý và nhu cầu của bà con thành viên, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng cường dịch vụ giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo lợi ích cho thành viên, đồng thời tạo nguồn thu cho HTX hoạt động hiệu quả.
HTX đã có nhiều nỗ lực trong việc chọn và nhân giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả tốt, chất lượng cao, thích nghi với thổ nhưỡng cung cấp cho các đơn vị, nhà nông trong và ngoài tỉnh. Nguồn giống của HTX đã được phần lớn bà con nông dân tin dùng.
Hiện, HTX đang thực hiện nhiệm vụ giữ nguồn gen giống cây trồng trong tỉnh; duy trì giống nguyên chủng, cung ứng giống siêu nguyên chủng cho mạng lưới sản xuất; thực hiện khảo nghiệm, kiểm nghiệm cấp tỉnh.
Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường trên dưới 500 vạn cây, con giống các loại: chè Shan tuyết, keo, mỡ, bồ đề, quế, cam, lợn, cá… Không chỉ cung cấp giống cho người dân trong tỉnh, HTX còn vươn ra các tỉnh, thành khác như: Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái…
Chiếm được lòng tin của nông dân không dễ, thuyết phục người nông dân xóa bỏ tập quán sản xuất cũ, làm quen với phương pháp sử dụng giống đảm bảo phẩm cấp để gieo trồng lại càng khó.
![]() |
Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân các thành viên hơn 4 triệu đồng/tháng.
Hiệu quả kinh tế
Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX, cho hay: Trước kia, nông dân thường không đầu tư cho hạt giống mà thường gieo trồng rồi tự chọn những vùng cây tốt, cất trữ để làm giống cho vụ sau. Cứ như thế lâu dần, vụ này qua vụ khác, chất lượng giống ban đầu bị thoái hóa, năng suất thấp. Do vậy, để giúp nông dân có những vụ mùa bội thu, HTX luôn đặt chất lượng hạt giống, con giống lên hàng đầu.
Hiện nay, rất nhiều loại giống đang sản xuất đã bị thoái hóa do nguồn gốc không rõ ràng làm cho năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, không thích ứng được với sự thay đổi của môi trường. Đó cũng là khó khăn dẫn đến việc canh tác vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
Để đảm bảo nguồn giống, công tác thử nghiệm, chọn lọc và lai tạo là khâu được HTX chú trọng để lựa chọn được những loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, hạn chế sâu hại, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng.
Các thiết bị phục vụ sản xuất hạt giống như: máy sấy, máy suốt, máy rê, lọc hạt giống, thiết bị kiểm tra độ ẩm, độ sạch… được HTX đầu tư, áp dụng, đảm bảo chất lượng hạt giống.
Hệ thống nhà sinh trưởng, nhà lưới và khu sản xuất thử nghiệm hiện đại, hệ thống nước tưới và hệ thống kho chứa được kiểm tra thường xuyên, tạo quy trình sản xuất giống chủ động.
Nhờ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, HTX hiện đã có 68 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, HTX đã phối hợp chặt chẽ với Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên về các loại hình: Nuôi ong, ghép cây ăn quả, chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây trồng.
Hàng năm, HTX đảm bảo cung ứng 1 tấn cá giống, 32 tấn muối, trên 1 tấn ngô giống, 7.000 con gia cầm các loại, 37 con bò sinh sản, 25 con lợn rừng, 100 con dê giống sinh sản, 2,5 tấn phân bón các loại, 2.200 giống cây ăn quả ra thị trường.
Hiện, tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân các thành viên hơn 4 triệu đồng/tháng; HTX cũng duy trì tốt hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con địa phương.
Như Yến