Cây cam xoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX |
HTX Cam xoàn Phương Phú có 21 thành viên, thực hiện sản xuất trên diện tích 31ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Lợi nhuận từ trồng cam xoàn cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và hoa màu khác trên cùng một diện tích đất nông nghiệp nên cam xoàn được chọn là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nhằm giúp người dân phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.
Hiệu quả kinh tế
Để trồng được cam chất lượng và đặc biệt là đạt tiêu chuẩn, các thành viên HTX phải tốn nhiều công sức. Cam xoàn VietGAP đòi hỏi quá trình chăm sóc tỉ mỉ, đặc biệt là phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình từ làm đất, chọn giống, bón phân, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Nhờ áp dụng đúng quy trình, cây cam do HTX trồng đã cho hiệu quả kinh tế cao. Cam ngọt, quả đều, vỏ bóng đẹp…
Từ khi trồng cam, thu nhập của các thành viên tăng theo từng vụ. Hiện nay, giá cam xoàn của HTX được giữ ở mức giá 30.000-40.000 đồng/kg bởi được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Người trồng có thể thu về 200 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí có thể lãi 70-80%).
HTX Phương Phú hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp từ việc cung ứng vật tư, kỹ thuật canh tác. HTX cũng tự sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường, vừa tận dụng thu nhập, vừa quảng bá sản phẩm, thương hiệu cho chính mình.
Xác định sản xuất bền vững, ổn định để có thể cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, việc thay đổi tập quán sản xuất của các thành viên và người dân đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng lâu dài. Không ít hộ thành viên sau khi trồng cam VietGAP đã trở nên khá giàu. Cũng nhờ trồng cam mà hộ nghèo trong xã giảm, nhiều lao động có thêm việc làm và thu nhập.
“Nông dân lâu nay quen với cách làm riêng lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao. Nay sản xuất theo mô hình HTX, thành viên đều có nhiều cái lợi, nhất là được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn canh tác. Trồng cây ăn quả, năng suất có đạt cao hay không chủ yếu là ở khâu kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh trên cây”, ông Võ Văn Đê, Giám đốc HTX Cam xoàn Phương Phú, cho biết.
Ổn định lâu dài
Từ khi đi vào hoạt động, HTX Phương Phú đã khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình liên kết phát triển cây có múi của địa phương. Trong đó, việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thực hiện quy trình kỹ thuật như: chiết, ghép cành, tạo hình, xử lý đất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, bảo quản sản phẩm… được phổ biến rộng rãi trong thành viên.
Ông Nguyễn Văn Tài, thành viên HTX, ngoài thu 3 tấn cam/công, còn áp dụng các kỹ thuật cho cam ra quả nghịch vụ vào tháng 6 đến tháng 8 âm lịch để bán giá cao hơn so với chính vụ.
Trước tình hình thời tiết có nhiều biến đổi thất thường, một số thành viên trong HTX đã đầu tư nhà lưới, giúp chủ động điều khiển cây ra hoa. HTX cũng tận dụng sự hỗ trợ của địa phương, đầu tư xây kho lạnh, làm tốt khâu sau thu hoạch.
Để tạo “tiếng vang” và tăng thu nhập cho các thành viên, HTX cam kết sẽ tạo nên sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng bằng cách hướng đến sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học trong sản xuất.
HTX mong muốn các ngành hữu quan tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ và định hướng để HTX tiếp cận các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, cách thức tổ chức dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra của các cấp ngành địa phương sẽ giúp HTX nâng cao kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Như Yến