Để nông sản, thực phẩm, hàng tiểu thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp, HTX, các làng nghề mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hội chợ, các chương trình XTTM, Festival, các điểm giới thiệu bán hàng. Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường.
Giải "bài toán” tiêu thụ hàng hóa
Ông Mai Văn Giang, Phó Giám đốc CTCP Vĩnh Giang cho biết, nhiều năm ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm khăn mặt, Công ty nhận thấy thấy HTX dệt Bình Định, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có uy tín và luôn có ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, do hạn chế về XTTM tiêu thụ sản phẩm, nên nhiều năm qua, các sản phẩm của HTX vẫn chỉ dừng lại ở sản xuất thô.
Nhận thấy hạn chế của HTX, CTCP Vĩnh Giang đã liên kết, thực hiện công đoạn nhuộm, đóng hộp và tìm thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Mai Văn Giang cho biết: “Mức tiêu thụ của doanh nghiệp đối với HTX dệt Bình Định là 10 tấn sợi với trên 300 nghìn sản phẩm/tháng, đạt trên 3,1 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt trên 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản lượng tiêu thụ của HTX giảm 1/3 so với trước đây”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tham quan gian hàng XTTM về các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, HTX tại Hà Nội. |
Thực tế cho thấy, các HTX, doanh nghiệp thời gian qua đã có ý thức trong việc liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, để đạt được mối liên kết như giữa HTX dệt Bình Định với CTCP Vĩnh Giang là chưa nhiều.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX, doanh nghiệp trong việc XTTM, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc tổ chức các hội chợ đưa các sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng và tìm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Chung tay vào cuộc
Ông Vũ Quang Phong, Tổng giám đốc Trung tâm XTTM và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, năm 2019, đơn vị đã tổ chức 4 Hội chợ XTTM cho các HTX, 2 kỳ trưng bày, giới thiệu sản phẩm HTX… với hơn 400 gian hàng của hơn 400 HTX tham gia. Ngoài ra còn hỗ trợ, tham gia Hội chợ triển lãm Quốc tế "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 Quảng Đông" tại Trung Quốc…
Trong 8 tháng năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên hoạt động XTTM tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan của Trung tâm XTTM và Đầu tư phải tạm dừng hoạt động, chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tổ chức “Hội chợ Quốc tế sản phẩm của khu vực KTHT, HTX Coop-Expo 2020”. Theo dự kiến, Hội chợ sẽ được tổ chức từ ngày 16-20/10/2020 tại Công viên Sông Hậu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và chương trình triển lãm bên lề Đại hội Liên minh HTX Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Việc tổ chức các hội chợ XTTM giúp cho sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng |
“Trung tâm XTTM và Đầu tư đang kết nối với các tập đoàn lớn như Lavifood để các sản phẩm cây có múi, chuối tại Tây Ninh, Long An, Tiền Giang vào được nhà máy sơ chế, xử lý và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó là xây dựng chuỗi để xuất khẩu chanh leo tại Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Bình Phước sang Hàn Quốc. Trung tâm cũng đang tích cực triển khai theo chỉ đạo của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo về việc XTTM đưa các sản phẩm như da giày, may mặc, sơn mài và các sản phẩm từ gỗ tiếp cận thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA”, ông Phong cho biết.
Cùng vào cuộc với Liên minh HTX Việt Nam, nhiều địa phương cũng tích cực hỗ trợ các HTX, các làng nghề có sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các gian hàng, các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Một điển hình phải kể đến là Hà Nội đã và đang tích cực đi đầu trong việc tổ chức các hội chợ tiêu thụ nông sản, hàng hóa về nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm OCOP của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX.
Mới đây nhất, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Công văn số 3745/SCT-QLTM, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kết nối sản phẩm vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2020 và đăng ký kế hoạch phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2021.
Theo đó, tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội như: Hà Đông, Gia Lâm, Quốc Oai và Sơn Tây sẽ khai trương, vận hành 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề tại các địa phương trước 10/10/2020.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ cho 301 sản phẩm OCOP cấp thành phố đã được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng. Đây chính là cơ hội mở ra giúp cho các HTX, các làng nghề tiêu thụ được sản phẩm.
Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản, tổ chức triển lãm, Festival để những nghệ nhân, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất làng nghề và các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Có thể thấy, việc tổ chức các hội nghị XTTM, các hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản, triển lãm, Festival… đã giúp đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn, HTX. Qua đó, từng bước đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập của người dân.
Phạm Duy