Theo UBND xã, Mường Trai có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Thái và La Ha sinh sống. Trước đây, phục vụ việc xây dựng hồ thủy điện, người dân hiến toàn bộ đất sản xuất, trong đó 1.340 ha ruộng lúa nước 2 vụ.
Để hỗ trợ bà con tái định cư tập trung phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, Nhà nước đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, tổ chức các lớp tham quan học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện, tỉnh. Đến nay, xã đã hình thành những mô hình sản xuất cá lồng hoạt động hiệu qủa, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Sản xuất theo hướng hàng hóa
Tổ hợp tác nuôi cá lồng bản Bó Ban có 25 thành viên đang duy trì 60 lồng cá với đa dạng các loại cá trắm, chép, rô phi…
Để đàn cá nuôi trong lồng phát triển tốt và đạt chất lượng cao, hàng ngày, các thành viên phải xuống các lồng cá theo dõi, kiểm tra trọng lượng cá và các bệnh phát sinh.
Một ngày, thành viên cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Thức ăn chủ yếu là cỏ voi, lá chuối và cám ngô, hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng.
Trong quá trình chăm sóc, mọi người đều thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Nếu thấy thức ăn thừa, thành viên tiến hành vớt lên bờ để tạo môi trường nước sạch cho cá phát triển, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá. Sau mỗi lần bán cá, người nuôi dùng thuyền kéo lồng cá ra các địa điểm khác để bắt đầu nuôi lứa mới bảo đảm cho cá có môi trường phát triển tốt hơn.
Nuôi cá lồng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Mường Trai (Ảnh:TL) |
Nhờ nuôi hoàn toàn bằng cỏ và thức ăn hữu cơ, hạn chế nuôi cám công nghiệp nên cá lồng của THT luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon, được doanh nghiệp, thương lái ưa chuộng.
Khi đến mùa thu hoạch cá, doanh nghiệp và khách hàng đến tận nơi thu mua. Có thời điểm, THT còn không có sản phẩm bán ra thị trường. Hiện nay, thành viên bán cá trắm ra thị trường với giá 80.000/kg, rô phi 70.000 đồng/kg, chép 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi thành viên lãi từ 150-200 triệu đồng/năm.
Ông Lò Văn Phương, thành viên THT nuôi cá lồng bản Bó Ban, chia sẻ, từ năm 2018 đến nay, với 10 lồng cá, trừ mọi chi phí, mỗi năm tôi thu lãi trên 150 triệu đồng tiền bán cá giống và cá thương phẩm. Tôi dự tính nuôi thêm giống cá lăng.
Cũng là mô hình kinh tế tiêu biểu, HTX nhà nổi Mường Trai đang kết nuôi lồng các loại cá thông thường và cá lăng. Đi đôi với đó là kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm lòng hồ, các công trình thủy điện.
Khu vực nhà nổi được HTX thiết kế toàn bộ bằng tre, mái lợp cỏ gianh, trang trí bằng nhiều chậu cây cảnh và những chiếc chong chóng bằng giấy, tạo cảm giác mộc mạc, đơn giản, thân thiện môi trường.
Hiện, lượng khách đến tham quan đạt gần 1.000 lượt khách/năm giúp HTX phát triển thêm dịch vụ ẩm thực đặc trưng vùng lòng hồ, như: cá nướng, cá gỏi, cá hấp, canh chua, các món gà, vịt... Tất cả đều là sản phẩm do thành viên nuôi trồng. Không chỉ phục vụ các món ăn dân tộc đặc trưng, HTX còn phục vụ du khách dịch vụ câu cá, nướng cá, nướng gà, tìm hiểu, trải nghiệm cách chế biến những món ăn dân tộc.
Với sức chứa tối đa gần 100 người, nhà nổi của HTX phục vụ đồ ăn tại chỗ và nhận đặt làm các món ăn cho du khách mang đi trong hành trình du lịch trải nghiệm lòng hồ. Đây chính là nguồn tiêu thụ lượng cá lồng tại chỗ cho HTX.
Hoạt động sản xuất kinh doanh giúp mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với các nghề chèo thuyền, hướng dẫn khách, tổ chức câu cá…
Tích cực hỗ trợ sản xuất
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu tư, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho cá.
Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ mỗi hộ gia đình 5 triệu đồng/lồng cá. Đây là điều kiện để mọi người đầu tư hệ thống lồng cá kiên cố bằng sắt, tăng thời gian sử dụng, giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm chi phí sửa chữa thường xuyên.
Người dân và chính quyền đều quan tâm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế |
Thời gian trước, khi mới phát triển nghề nuôi cá lồng, các hộ chủ yếu nuôi nhỏ lẻ chủ yếu có quy mô 4-10 lồng, được chăm sóc và nuôi theo phương pháp truyền thống nên năng suất cá thấp, giá thành chi phí cao so với mặt bằng chung nên khả năng cạnh tranh hàng hóa có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, do chủ yếu cung cấp và bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã, huyện, bán buôn cho các lái buôn địa phương nên đầu ra cho nông sản này chưa thực sự ổn định.
Để giải quyết tình trạng này, sau nhiều lần họp bàn và tuyên truyền, xã tích cực khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, trong đó chú trọng xây dựng và thành lập các tổ hợp tác, HTX, từng bước hình thành các chuỗi giá trị, giải quyết những khó khăn cho người dân trong quá trình nuôi cá lồng.
Ngoài 2 mô hình nuôi cá lồng trên, hiện trên địa bàn có thêm 70 hộ và 1 doanh nghiệp cũng đầu tư nuôi cá lồng. Hằng năm, xã cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm các loại. Tính riêng năm 2019, sản lượng cá của Mường Trai đạt gần 100 tấn, doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân của xã lên 20 triệu đồng/người/năm.
Nếu như năm 2017, toàn xã có 34,96% hộ nghèo thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,52%, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc tại địa phương không ngừng được cải thiện.
Có thể thấy nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Mường Trai khi tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Như Yến