Xã Thanh Tân là 1 trong 8 xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới. Với những sáng tạo trong hướng đi, cách làm, Thanh Tân giờ đây không chỉ trở thành xã điểm kiểu mẫu về xây dựng nông thôn mới của huyện mà còn của cả tỉnh Thái Bình.
Thanh Tân đi đầu
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, Thanh Tân luôn xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện. Xã xác định 19 tiêu chí được hoàn thành trong những nhóm công việc. Cụ thể, trong nông nghiệp tập trung vào quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất; cơ giới hóa trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến.
Đối với các vấn đề nông thôn, xã tập trung vào quy hoạch khu dân cư, phát triển ngành nghề để tạo việc làm, cải tạo kết cấu hạ tầng như giao thông, nhà văn hóa xã, thôn… Còn đối với vấn đề nông dân thì tập trung cải thiện điều kiện sống như chỉnh trang nhà bếp, nhà ăn, chăn nuôi... đào tạo tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Bể bơi của xã Thanh Tân nhằm đáp ứng hoạt động rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân |
Thanh Tân còn chủ động chọn khâu đột phá, xây dựng các mô hình điểm, xây dựng các tiêu chí kèm theo mô hình như “Mô hình tự quản vệ sinh môi trường”, “Mô hình phòng tuyến phát quang lộ giới đào đắp nắn đường thôn”, “Mô hình chỉnh trang khu dân cư”, sáng kiến về “Hiến đất mở đường” và “Góp đất làm đường giao thông ngoài đồng ruộng”…
Đặc biệt, mô hình HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Tân là ví dụ điển hình giúp xã đẩy nhanh các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
HTX đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển trồng rau màu theo quy trình kỹ thuật VietGAP, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, xử lý tạp chất trong đất và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại rau khác nhau.
Một năm, HTX tổ chức xen canh gối vụ nhiều lứa rau và hoa màu. Trong đó, vụ xuân tập trung trồng các cây như: ớt, dưa chuột, đỗ Đài Loan, dưa gang, khoai lang... vụ hè có rau cải cúc, mùng tơi, cà tím, cà chua, bí xanh, dưa chuột; vụ đông thì trồng dưa chuột, bí xanh, mướp và khoai tây. Mỗi chủng loại rau, củ, quả được phân chia diện tích trồng hợp lý nhằm bảo đảm đủ sản lượng cung cấp cho doanh nghiệp bao tiêu nông sản theo hợp đồng, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Hiện nay, ngoài trồng một số rau, quả cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu như: ớt xanh Hàn Quốc, đỗ Đài Loan, dưa gang, còn lại các sản phẩm nông sản làm ra của HTX đều được đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu Thanh Tân. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giá thành sản phẩm nhờ mã số, mã vạch in trên bao bì.
Mỗi năm, mô hình trồng rau sạch của HTX cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại và thu về hơn 2,5 tỷ đồng.
Không chỉ tập trung vào sản xuất, HTX thực hiện gom rác thải, quản lý lò đốt rác thải đảm bảo vệ sinh. Để duy trì hoạt động, HTX thực hiện việc thu phí môi trường theo khẩu (hộ gia đình 3,5 nghìn đồng/khẩu/tháng, khu trung tâm xã 5 nghìn đồng/khẩu/tháng. Chợ, trường học thu 60 nghìn đồng/tháng, khu công nghiệp 600 nghìn đồng/tháng). Việc đóng phí vệ sinh môi trường được quy định cụ thể trong hương ước, quy ước của thôn, xóm nên việc thu gom rác được thực hiện đầy đủ, góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ có phương hướng hoạt động cụ thể, coi trọng mô hình HTX trong phát triển kinh tế xã hội, đến nay, đời sống của người dân Thanh Tân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người dự định đến cuối năm 2020 đạt gần 55 triệu đồng/người. Xã đã đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đồng thời hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đổi thay mọi mặt
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới từ xã Thanh Tân đã lan tỏa khắp các địa phương trong huyện. Trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương đặc biệt coi trọng phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, thực hiện tốt quy chế dân chủ, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Vì thế, đến hết năm 2019, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện cũng hoàn thiện hồ sơ để xin xét duyệt đạt huyện nông thôn mới.
Đích đến trong xây dựng nông thôn mới ở Kiến Xương được xác định là nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân. Vì thế, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự thay đổi, nhất là trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm.
HTX Bình Định liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa cho thành viên và người dân |
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, cho biết: Trong 12 dịch vụ mà HTX đang thực hiện thì dịch vụ liên kết sản xuất lúa bao tiêu sản phẩm cho bà con được chú trọng nhất. Trong đó, HTX đã liên kết cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed bao tiêu 1.000 - 1.200 tấn thóc/năm, đem lại doanh thu 10 - 15 tỷ đồng, lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân đạt 3 - 5 tỷ đồng.
Đặc biệt, huyện đã có 37 HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần tích cực phát triển kinh tế của các địa phương.
Không chỉ phát triển kinh tế, đến nay, Kiến Xương đã có 84,91km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, 240,95km đường trục thôn, 450,13km đường nhánh cấp I được bê tông hóa. 325,72km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn.
Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa 408 phòng học, phòng chức năng của các trường, xây mới, nâng cấp 37 trạm y tế. Trên 86% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 100% xã, thôn có nhà văn hóa, sân thể thao. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 71,64 triệu đồng.
Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, huyện Kiến Xương tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân trong thời kỳ mới.
Huyền Trang