Những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hòa Bình đã đạt được một số kết quả khả quan. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã dần khẳng định được chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều diện tích sản xuất đã thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Một số sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu tập thể, như: Cam Cao Phong; rau hữu cơ Lương Sơn; bưởi đỏ Tân Lạc, tôm, cá sông Đà; gà Lạc Thủy.
Sản phẩm phong phú, đa dạng
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hòa Bình, đến nay toàn tỉnh đã có 10.500 ha diện tích trồng cây có múi, trong đó diện tích kinh doanh 7.400 ha. Các sản phẩm nông sản khá phong phú như: Cam lòng vàng, cam V2, cam Canh, bưởi đỏ, bưởi da xanh... sản lượng đạt trên 15 vạn tấn/năm.
Hòa Bình cũng đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Diện tích trồng rau trung bình hàng năm của tỉnh cũng đạt 11.000 - 12.000 ha. Bước đầu hình thành và ổn định vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái như vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột huyện Kim Bội, Tân Lạc, Yên Thủy; vùng sản xuất rau hữu cơ Lương Sơn.
Diện tích sản xuất cây dược liệu khoảng 1.700 ha với các loại dược liệu quý hiếm như Xạ đen, Xạ vàng, Ba kích, Cúc hoa, Địa liền, Đinh lăng, Giảo cổ lam, Cà gai leo...
Bên cạnh đó, hồ Hòa Bình rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá, tỉnh hiện có khoảng 4.000 lồng cá, với sản lượng mỗi năm đạt trên 9.000 tấn. Cá lòng hồ Hòa Bình đã có thương hiệu và sản lượng tiêu thụ khá tốt.
Về phát triển mô hình sản xuất kinh tế hợp tác (KTHT), HTX, ông Trần Văn Thành - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 330 HTX đang hoạt động, trong đó số HTX nông nghiệp, thủy sản chiếm 73,5%. Các mặt hàng của các HTX đa dạng, trong đó tập trung nhiều vào các loại hàng hóa nông sản chủ lực của địa phương như rau an toàn, cây có múi, cá Sông Đà, cây dược liệu, gà đồi.
Với năng lực tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên, HTX đang là mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả ở địa phương. Nhiều HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện một số mặt hàng của HTX như cam, bưởi, rau hữu cơ... đã được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị.
Phát biểu tại Tuần lễ nông sản thực phẩm của Hòa Bình được tổ chức tại Hà Nội tại hệ thống siêu thị Co.opmart trong thời gian từ ngày 7 - 13/12, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá rất cao định hướng và cách làm về tổ chức sản xuất nông sản của tỉnh Hòa Bình trong những năm qua.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo (bìa phải) khảo sát gian hàng tại Tuần lễ nông sản thực phẩm của Hòa Bình |
Liên kết là phù hợp, đúng hướng
Chủ tịch nhận định: Hòa Bình rất có tiềm năng về nông sản thực phẩm có quy mô lớn chất lượng cao và bảo đảm an toàn đáp ứng người tiêu dùng về rau, về cá, gia cầm, trái cây, dược liệu và rất nhiều hàng hóa khác. Hòa Bình rất có lợi thế đó là gần sát ngay thị trường Thủ đô Hà Nội.
“Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có chương trình hỗ trợ và đầu tư các chuỗi nông sản Hòa Bình, trước hết sẽ tập trung đầu tư vào chuỗi cá, chuỗi cam của Cao Phong, chuỗi rau và một số mặt hàng nông sản khác; kết nối các chuỗi tiêu thụ ở Hà Nội trong đó có hệ thống Coopmart”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết thực hiện chủ trương thu hút các DN, hợp tác đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích cho DN và các HTX về phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhiều HTX đã mạnh dạn đổi mới, kịp thời chuyển đổi để thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả, mạnh dạn huy động các nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ KH-KT&CN mới vào sản xuất, liên doanh, liên kết với các DN để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tỉnh mong muốn các HTX tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng và quảng bá thương hiệu, duy trì mối quan hệ với đối tác; xây dựng HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hòa Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các DN, nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh lâu dài tại tỉnh, nhất là các DN tham gia đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. “Tỉnh mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, cùng các địa phương và DN, siêu thị tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa để cung cấp đến người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, phát triển sản xuất của các HTX, hộ nông dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết.
Phạm Duy