Thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã bày tỏ sự cảm ơn tới Liên minh HTX Việt Nam và ILO đã đến Đồng Nai nghiên cứu, giúp đỡ Đồng Nai trong công tác chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), nòng cốt là các HTX.
Về phía ILO, ông Change Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, đã có nhiều dịp đến Đồng Nai khi còn là chuyên gia tư vấn. Ông rất muốn biết chiến lược phát triển chung về kinh tế của tỉnh, đồng thời muốn biết tình hình phát triển KTHT và những vấn đề Đồng Nai cần hỗ trợ.
Phát triển đồng đều công nông nghiệp
Qua báo cáo, Đồng Nai dẫn đầu cả nước về sản phẩm công nghiệp cũng như nông nghiệp. Hiện nay, với diện tích tự nhiên 5.900 km2, dân số 3,2 triệu người, 27,1% rừng tự nhiên trên 52% diện tích rừng che phủ, đất đỏ bazan… nên Đồng Nai có điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp.
Với 35 khu công nghiệp trong đó có 32 khu đã hoạt động với trên 70% dự án đang vận hành, khoảng 1 triệu công nhân, đa số đến từ các tỉnh khác, Đồng Nai đang đối mặt với tăng dân số cơ học, kéo theo đó có nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết.
Thời kỳ đầu công nghiệp hóa, Đồng Nai kêu gọi đầu tư chưa chọn lọc nên có nhiều ngành nghề yêu cầu nhiều lao động như ngành dệt may.
![]() |
Đoàn công tác làm việc tại Đồng Nai
Hiện, Đồng Nai tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghiệp điện tử, tự động hóa, công nghiệp thân thiện với môi trường, đánh giá tác động môi trường và một số ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ; đặc biệt là chuẩn bị nhân lực cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, vấn đề Đồng Nai cần giải quyết là đào tạo lao động tay nghề cao. Đồng Nai mong muốn ILO hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, bài bản.
Hỗ trợ đào tạo nhân lực
Là tỉnh có kinh tế công nghiệp phát triển sớm, nhưng tỷ lệ người dân làm nông nghiệp vẫn tương đối cao, chiếm 65%. Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới: 113 xã/133 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 huyện/11 đơn vị hành chính đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Sản phẩm nông nghiệp hiện nay là ngành chăn nuôi lợn, gà, lớn nhất cả nước. Gắn với đó là KTHT, nòng cốt là HTX, được chính quyền đặc biệt quan tâm, vì đây là hình thức kinh tế phù hợp nhất với trình độ người dân nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 322 HTX hoạt động tương đối hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn nhỏ lẻ. Để phát triển khu vực này, Đồng Nai có nhiều chính sách hỗ trợ, như: miễn phí cho HTX đăng ký mới, kết nối đầu ra xây dựng chuỗi giá trị...
Đồng Nai mong muốn ILO trợ giúp trong vấn đề đào tạo đội ngũ lãnh đạo HTX, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới.
Với tư cách chuyên gia cho ILO trước đây và hiện ILO cũng đang hỗ trợ Đồng Nai giải quyết vấn đề quan hệ lao động, lần này với vai trò là Giám đốc ILO Việt Nam, ông Change Hee Lee cam kết sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ toàn diện hơn với Đồng Nai.
Cùng ngày, để ILO hiểu thêm về HTX, đoàn công tác đã đến thăm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Thanh, với 37 thành viên làm các dịch vụ nước sạch, môi trường, chợ. HTX Xuân Thanh đang làm đầu mối xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng xây dựng cánh đồng mẫu lớn về sầu riêng.
Tại đây, đoàn công tác đã được nghe HTX báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và một số định hướng trong thời gian tới. Qua đây, đoàn nhận thấy HTX có nhận thức rất rõ về kinh tế thị trường cần phải hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho thành viên.
HTX cũng tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới và đang tiến hành xây dựng quy trình sản xuất theo Vietgap.
Thế Phương