Nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10), Thời báo Kinh Doanh có buổi nói chuyện thân mật với ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Vissan – và nghe ông chia sẻ về những hướng đi, chiến lược phát triển sắp tới cũng như bật mí những bí quyết điều hành doanh nghiệp của một doanh nhân - một người lính trên thương trường.
Trước hết, xin được chúc mừng ông và Vissan sau đợt IPO thành công ngày 24/3 vừa qua khi Vissan bán hơn 11.328.002 cổ phần (tương đương 14% vốn điều lệ) thu về 1.427 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ những mục tiêu mà Vissan hướng đến khi thưc hiện việc cổ phần hoá này không?
Chủ trương cổ phần hoá đã có từ cuối năm 2014. Khi nhận được chủ trương, chúng tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, định giá doanh nghiệp, xác định các giá trị tài sản,… Mất hơn hai năm trời chuẩn bị, cuối cùng, đợt chào bán lần đầu ra công chúng và chào bán cho đối tác chiến lược của Vissan đã thu được những kết quả khả quan.
Việc cổ phần hoá này củng cố thêm những giá trị cốt lõi tích luỹ từ trước đến nay của Vissan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định rõ rằng cổ phần hoá chính là cơ hội để chúng tôi “tái cấu trúc” công ty, cả về nhân sự, chiến lược, hoạt động,.. Sau đợt cổ phần hoá này, chúng tôi đã có được những yếu tố thích hợp nhất cho sự phát triển lâu dài và vững mạnh của Vissan trong thời gian tới.
Thực ra, thời gian qua, áp lực cổ phần hoá lên các doanh nghiệp nhà nước là rất lớn. Tuy nhiên, không phải đợt IPO nào cũng “bán được hàng”. Theo ông, những yếu tố nào ở Vissan đã thu hút các nhà đầu tư?
Việc cổ phần hoá được chúng tôi thực hiện một cách bài bản và nghiêm ngặt theo quy định của Nhà nước. Mục đích cuối cùng là truyền tải được cho nhà đầu tư những giá trị cốt lõi của Vissan, những thành tựu và lợi nhuận mà chúng tôi đã và đang tích góp vững mạnh như thế nào, bộ máy lãnh đạo của chúng tôi chuyên nghiệp ra sao. Chỉ có chứng minh được những điều đó, các đối tác mới có lòng tin vào tương lai của Vissan mà gắn bó với chúng tôi.
Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng phải chuẩn bị các thông tin về Vissan một cách minh bạch và rõ ràng, đồng thời sẵn sàng trả lời các chất vấn của cổ đông. Các thông tin được công bố đều bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Chúng tôi cũng tổ chức ba buổi giới thiệu thông tin dành cho nhà đầu tư nội địa với sự tham gia của 141 đối tác, một buổi giới thiệu thông tin dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tại các buổi giới thiệu thông tin đó, với tư cách là Tổng Giám đốc của công ty, tôi chính là người trực tiếp giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư, cũng đồng thời đảm nhận vai trò là một người thuyết trình thật hấp dẫn để thuyết phục họ đầu tư vào Vissan.
![]() |
Ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Vissan
Điều quan trọng nhất quyết định sự thành công của các đợt chào bán vừa rồi, đó là nền tảng cốt lõi của Vissan và vị thế của chúng tôi trong ngành thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến. Sự vững mạnh và ổn định bao nhiêu năm qua của Vissan chính là yếu tố đầu tiên để thu hút các nhà đầu tư.
Sau IPO luôn có rất nhiều việc phải tổ chức, sắp xếp lại. Vissan đã tiến hành những thay đổi gì từ sau đợt chào bán lần đầu ra công chúng vừa rồi?
Như tôi đã nói, ở Vissan, chúng tôi xem việc cổ phần hoá chính là cơ hội để chọn lọc những nhân sự thích hợp, những phòng ban cần thiết và những hoạt động phù hợp nhất cho sự phát triển sắp tới của Vissan.
Những định hướng chiến lược trong thời gian sắp tới của Vissan là gì, thưa ông?
Vissan vẫn tập trung vào giá trị cốt lõi của mình, đó là ngành kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Chúng tôi kiên trì với chiến lược 3F (Feed – Farm –Food), từ trang trại đến bàn ăn của mình.
Hiện tại, chúng tôi đã bắt tay vào việc đầu tư Cụm Công nghiệp chế biến ở Long An hơn 1.500 tỷ đồng trên diện tích 22ha, bao gồm các nhà máy chế biến thực phẩm phục vụ cho mục tiêu kinh doanh của Vissan. Song song đó, chúng tôi cũng đang đầu tư xây dựng hệ thống Logistics của mình ở Tân Tạo.
Bên cạnh xí nghiệp chăn nuôi ở Bình Dương, Vissan cũng đã tiến hành mua thêm xí nghiệm chăn nuôi ở Bình Thuận. Đặc biệt, ngày 15/8 vừa rồi, chúng tôi mới nhập về 220 con heo giống (trọng lượng trung bình 50-55 kg/con) được tuyển chọn trực tiếp từ 5 trang trại giống chất lượng hàng đầu trong hồ sơ công bố của STAGES, bởi các chuyên gia lành nghề, nhiều kinh nghiệm của nhà cung cấp Clayton Agri-Marketing.
Đây là đàn heo thuộc giống heo Duroc, Landrace và Yorkshire GP của Mỹ. Sau khi nhập cảnh về Việt Nam, đàn heo sẽ được nuôi cách ly tại trang trại Gò Sao, Bình Thuận với công nghệ và kỹ thuật hiện đại của trang trại và được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp theo sự hướng dẫn của các chuyên gia.
Từ 220 con heo giống thuần chủng này, Vissan sẽ lai tạo ra thế hệ ông bà cố, ông bà, cha mẹ và cuối cùng là heo thịt thương phẩm. Việc nhập heo giống thuần chuẩn lần này nằm trong chiến lược phát triển nguồn của Vissan, giúp góp phần phát triển, cải thiện vấn đề năng suất chất lượng của đàn heo.
Các hoạt động trên là hết sức cần thiết, giúp cho Vissan kiểm soát được nguồn cung. Có nắm chắc được nguồn gốc sản phẩm, chúng tôi mới thực hiện được cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đối với ông, một người lính và một doanh nhân, sẽ có những điểm gì giống và khác nhau? Là một người lính – doanh nhân, ông đã áp dụng những điều đó vào việc điều hành doanh nghiệp như thế nào?
Năm 1980, sau 4 năm đi bộ đội, tôi được phân công về Phòng Tổ chức của Vissan. Công việc chủ yếu của tôi lúc đó là Công tác thi đua và vấn đề tiền lương cho anh em cán bộ. Đến tận năm 1987, tôi mới học Đại học Kinh tế. Sau đó, với lợi thế ngoại ngữ, tôi nhận liên tiếp các học bổng du học ở Mỹ, Thuỵ Điển. Thời gian học ở đây đã giúp tôi từ một anh lính – một anh phó bí thư Đoàn, tiếp cận với tư duy quản trị tiên tiến của nước ngoài và các kiến thức về điều hành doanh nghiệp.
Sau khi về nước, tôi lần lượt nắm giữ các vị trí Phó Phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Đầu tư Kế hoạch của Vissan. Đến năm 2004, tôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Năm 2010 đến nay, tôi giữ cương vị Tổng Giám đốc.
Quãng thời gian đầu khi tôi tiếp nhận vai trò Phó Phòng Kinh doanh, Vissan vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh cũng không mở rộng như bây giờ. Là một người lính, tôi càng nung nấu quyết tâm vực dậy mọi thứ, giải quyết những khó khăn lúc bấy giờ.
Tôi nghĩ, chính tinh thần làm việc chỉn chu, quyết liệt, hết mình của một người lính trong tôi đã phần nào giúp tôi và các cộng sự của mình đưa hoạt động của Vissan ngày càng mở rộng và ổn định.
Dĩ nhiên, trong quân đội, quân lệnh như sơn, kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, trong quản trị kinh doanh, không thể chỉ nhất nhất áp đặt hay “ra lệnh”, có những việc bắt buộc mình phải cùng xông xáo vào làm với cấp dưới thì mới có những đối sách và giải pháp hợp lý, “tâm phục khẩu phục”.
Tôi tự nhận, mình là một người “cuồng công việc”, tôi tìm thấy niềm vui trong những đóng góp và thành quả của mình cho Vissan, cũng như nhìn thấy những sáng kiến của mình giúp ích được cho Vissan.
Nguyễn Xuân thực hiện