Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, thị trường chứng khoán đánh dấu phiên giảm điểm thứ 9 liên tiếp, chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư quá "nhọc nhằn" , thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng trước sự thận trọng của giới đầu tư.
Trước đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong trường hợp Vn- Index để mất ngưỡng 890 điểm thì có thể rơi vào xu hướng giảm dài hạn.
400.000 tỷ đồng "bốc hơi"
Tính từ đầu tháng 10 đến kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, chỉ số Vn-Index đã giảm 124,13 điểm, tương đương vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khoảng 385.000 tỷ đồng (khoảng 16,2 tỷ USD).
Trong đợt điều chỉnh hồi tháng 4 đến cuối tháng 6/2018, đà giảm giá tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn ít biến động.
Tuy nhiên, lần này, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã không còn "miễn nhiễm" với cuộc điều chỉnh của thị trường và đang cho thấy một mức "chiết khấu" đáng kể từ mức đỉnh như cổ phiếu "họ" VIC, ngân hàng, dầu khí…
Phiên giao dịch gần cuối cùng của tháng 10 kết thúc (30/10), cổ phiếu VNM (Vinamilk) đã bị khối ngoại bán ròng 188.780 cổ phiếu, tiếp tục giảm thêm 2,3% xuống còn 117.300 đồng/cp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.
Cũng bị khối ngoại bán ròng, nhưng nhà đầu tư trong nước mới chính là đối tượng "xả" BID (BIDV) mạnh, khiến cổ phiếu này rơi vào mức "thảm" khi giảm thêm 4,5% xuống 27.600 đồng/ cp, vốn hóa "bốc hơi" tới hơn 4.444 tỷ đồng.
Ngoài ra, các mã như HDB, NVL, VRE… cũng giảm sâu trước áp lực bán mạnh khiến thị trường không thể hồi phục.
Trong tháng 10, chỉ số HNX-Index cũng giảm 14 điểm, tương ứng giảm 13,3%, tương đương vốn hóa giảm khoảng 14.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hai sàn, vốn hóa toàn thị trường đã "bốc hơi" 399.000 tỷ đồng (trên 17 tỷ USD).
Đáng chú ý, những nhận định và khuyến nghị tích cực của bộ phận phân tích các công ty chứng khoán đang ngày một chìm đi, thay vào đó là những kịch bản xấu nhất được đưa ra.
Có thể kể đến như, chỉ số Vn-Index có thể về 800 điểm trong một, hai tháng tới, hay chứng khoán quý IV sẽ không khả quan như quý III vừa qua.
Đứng trước những cảnh báo này là động thái siết margin của các công ty chứng khoán, áp lực margin call sẽ đè nặng lên tài khoản của rất nhiều nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều tài khoản đã phải bán ra để đảm bảo đủ tỷ lệ an toàn từ cách đây mấy phiên.
![]() |
Mất ngưỡng 890 điểm, chỉ số Vn-Index có thể rơi vào xu hướng giảm dài hạn |
Sẽ tiếp tục giảm?
Những thông tin tích cực như thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE xem xét vào danh sách nâng hạng, cùng với kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp lớn khả quan cũng không thay đổi được "sắc màu u ám" đang bao trùm toàn thị trường.
Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), chuỗi những phiên giảm điểm liên tiếp với mức độ mạnh và nhịp độ gấp gáp kể từ giữa tháng 10 đang khiến dòng tiền rút lui khỏi thị trường.
Điểm tích cực là khá nhiều cổ phiếu cũng đã xuất hiện tình trạng cạn kiệt cung sau khi giá đã xuống quá thấp và bắt đầu đi ngang bất chấp mức giảm mạnh của chỉ số chung.
Các chuyên gia chứng khoán cũng nhận định, yếu tố hỗ trợ được xác định tại thời điểm này chủ yếu là trạng thái quá bán kỹ thuật của nhiều cổ phiếu sau nhiều tuần giảm liên tiếp, kỳ vọng lực bán sẽ nhẹ đi trong những phiên giao dịch tới.
Hơn nữa, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán, không gây ra biến động trên thị trường chứng khoán nhưng vẫn giữ ổn định luồng vốn đầu tư vào thị trường.
Khi thị trường có diễn biến đột xuất, các bộ ban ngành liên quan công bố các thông tin để củng cố lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Tuy nhiên, những yếu tố bất định của thị trường chứng khoán quốc tế cũng như sự suy giảm quá mạnh của dòng tiền sẽ là những trở ngại.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có niềm tin vào thị trường và lực cầu bắt đáy chủ yếu xuất hiện ở những cổ phiếu đang đi vào vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật.
Theo báo cáo được công bố mới đây, CTCK VnDirect duy trì quan điểm lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục tăng, lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng kéo theo chi phí lãi vay sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, hiện chỉ số P/E của thị trường đang nằm trong khoảng 15-16 lần, đã giảm mạnh so với thời điểm Vn- Index thiết lập mức đỉnh mới hơn 1.200 điểm. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường đã được phản ánh trong giai đoạn trước đó khiến cho giá cổ phiếu bứt phá.
Do vậy, dù mặt bằng P/E của thị trường đã giảm mạnh nhưng có lẽ cũng không còn nhiều cổ phiếu rẻ.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, CTCK VietinBank, tỏ ra không mấy lạc quan với diễn biến của các chỉ số trong hai tháng cuối năm.
Cũng theo ông Cường, những thông tin hỗ trợ về nền kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang ổn định và kết quả kinh doanh quý IV khả quan của các doanh nghiệp đã không còn là "chỗ dựa" của thị trường, bởi hai yếu tố này dường như đang mất dần tác động tới diễn biến chung của thị trường.
Linh Đan