Thị trường BĐS từng chứng kiến bước phát triển thần tốc của Novaland, khi tập đoàn này chính thức công bố hàng loạt dự án ra thị trường. Đặc biệt, với một loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), chủ yếu nằm ở những vị trí chiến lược trên địa bàn Tp.HCM, đã đưa Novaland trở thành “đại gia” trong lĩnh vực phát triển BĐS hàng đầu tại Tp.HCM.
Phát triển thần tốc
Việc phát triển các dự án lớn buộc doanh nghiệp này phải tăng huy động tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trong khi đó, hệ thống sàn giao dịch tại Tp.HCM được mở rộng tới hàng chục, số lượng nhân viên đến mấy trăm người.
Với vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên 5.962 tỷ đồng vào cuối năm 2016, Novaland cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp này không chỉ ở nguồn vốn, quy mô hoạt động, mà đáng chú ý hơn cả chính là uy tín thương hiệu của tập đoàn.
“Trước đây, khi thị trường bất động sản bị mất niềm tin, nhiều dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư thất hứa với khách hàng thì uy tín của thương hiệu Novaland được xem là những gia trị tiềm năng và đáng giá cho một lộ trình phát triển kế tiếp”, một chuyên gia nhận định.
Trên thực tế, thương hiệu và uy tín của Novaland đã được khẳng định trên từng dự án. Đến thời điểm hiện nay, trong bốn vùng chiến lược Đông – Tây – Nam – Bắc của Tp.HCM, đâu đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp các dự án của Novaland.
Novaland đã chính thức bàn giao cho khách hàng 7 công trình, góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo đô thị của Tp.HCM. Cụ thể, tại quận 4 là Galaxy 9 và Icon 56; tại khu Đông (quận 2, quận 9) là Lexington Residence, Tropic Garden, Lucky Dragon Residence; quận 7 có Sunrise City và tại quận Phú Nhuận là The Prince Residence.
Nhờ có chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp mang tính đột phá, liên tục suốt nhiều năm qua, Novaland đã đạt được kết quả kinh doanh khá tốt, tài sản không ngừng tăng mạnh, lợi nhuận cao hơn qua từng năm.
Các sản phẩm căn hộ của Novaland thuộc phân khúc trung và cao cấp, đa dạng về diện tích khoảng 50 –140m2, tương ứng từ một phòng ngủ đến ba phòng ngủ và tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở khu vực Tp.HCM, thuận tiện về giao thông và phong phú về các tiện ích cuộc sống. Những yếu tố này giúp tạo ra các sản phẩm có tính thanh khoản cao và giá trị gia tăng bền vững theo thời gian cho khách hàng.
Với đặc thù của ngành BĐS, trong năm nay, Novaland sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu rất lớn đến từ 7 dự án đã được bán từ năm 2014 đến năm 2016 và bàn giao trong năm 2017, đạt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2016.
Sau khi lên sàn, Novaland công bố kết quả lãi ròng cả năm 2016 gần 1.662 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2015 và trở thành doanh nghiệp BĐS niêm yết có lợi nhuận cao nhất năm 2016.
![]() |
Sau khi lên sàn, Novaland công bố kết quả lãi ròng cả năm 2016 gần 1.662 tỷ đồng, tăng gấp ba so với năm 2015 và trở thành doanh nghiệp BĐS niêm yết có lợi nhuận cao nhất năm 2016.
Kinh doanh ấn tượng
Tuy nhiên, con số ấn tượng Novaland đạt được có sự đóng góp lớn từ việc đánh giá lại các khoản đầu tư bởi doanh thu chính từ BĐS chỉ tăng hơn 10%. Cụ thể, tháng 9/2015, Novaland đã mua 99,91% lợi ích vốn chủ sở hữu tại công ty TNHH BĐS Khải Hưng, nắm giữ 50% vốn chủ sở hữu Thế kỷ 21 với giá phí lần đầu tương đương 1.341 tỷ đồng.
Tháng 4/2016, Khải Hưng tiến hành mua thêm 32,46% lợi ích vốn chủ sở hữu Thế kỷ 21, giúp Novaland nâng tỷ lệ nắm giữ tại công ty này lên 82,46%, với mức giá phí lần hai là 2.608 tỷ đồng. Thương vụ đã mang về một khoản đánh giá lại đầu tư trị giá 1.597 tỷ đồng, khiến doanh thu tài chính trong năm tăng gần 655%, đạt 2.526 tỷ đồng.
Như vậy, nếu trước đây “sân chơi” BĐS lãi hàng nghìn tỷ chỉ có mỗi VIC thì nay đã có thêm NVL. Cuộc
đua trên thị trường sẽ hết sức gay cấn khi cả hai “ông lớn” đều tập trung vào phân khúc BĐS cao cấp.
Với Novaland, sau khi tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực nhà ở, Tập đoàn này bắt đầu tiến sang lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, cụ thể là siêu dự án “Vành trăng khuyết” – Khu đô thị Quốc tế Đa Phước – lớn nhất Đà Nẵng.
Rõ ràng, chiến lược và khẩu vị đầu tư của Novaland bắt đầu thay đổi với một điểm khác biệt quan trọng, đó là dự án lần này có quy mô rất lớn. Giờ đây, thay vì tìm kiếm dự án nhỏ, đẹp, chất lượng, đã xây một phần, dễ bán như trước, Novaland sẽ cho thấy những bước đi khác với chiến lược cũ và “liều lĩnh” hơn.
Từ Tp.HCM, về dài hạn, Novaland đang xúc tiến việc mở ra các thị trường khác với quy mô diện tích rộng hơn và lấn sang các dự án đầy đủ tiện ích giống với phong cách Vingroup.
Trên thực tế, việc mở rộng ra phân khúc sản phẩm khác là chiến lược bài bản, có thể giúp Novaland nhanh chóng bứt phá trên thị trường BĐS, nhưng song hành với đó chính là áp lực dòng tiền và tồn kho sản phẩm ngày một lớn.
Với tình trạng thực tế về thị trường BĐS trong nước cùng những vấn đề gặp phải hiện nay của Novaland, đội ngũ điều hành tập đoàn này vẫn hết sức vững tin khi hiểu rõ về cách tiến hành trong mọi bước đi của doanh nghiệp.
Nói về điều này, đại diện của Novaland chia sẻ: “Với xuất phát điểm là một nhà sản xuất, việc luôn lập kế hoạch thực hiện một cách chặt chẽ và tính toán mọi phương án thực tế đã trở thành yếu tố tiên quyết của Novaland trong mọi dự án.
Theo định hướng từ nay tới năm 2020, hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, rủi ro trong kinh doanh và trên thị trường là những yếu tố khiến mọi doanh nghiệp đều phải có sự thấu hiểu và luôn tìm ra giải pháp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại và kế tiếp.
Điều quan trọng nhất là sau mỗi một lần như vậy, doanh nghiệp rút ra được bài học để thích nghi với tính luôn biến động của thị trường, nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khả năng quản trị và thực hiện của mình”.
Đăng Lê