Hà Nội hiện đã trở thành tâm điểm được đặc biệt quan tâm của giới đầu tư nhà đất, nhiều dự án khu đô thị (KĐT), nhà ở được tập trung triển khai đầu tư và có sức thanh khoản cao.
Tại Hà Nội, không thể không nhắc tới hệ thống các đường vành đai như Vành đai 1 – 2 – 2,5 – 3 , hệ thống đường Vành đai 3,5, Vành đai 4, Vành đai 5 đang được triển khai và trong quy hoạch.
Hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh
Một số trục hướng tâm như QL6, QL32, Đại lộ Thăng Long, Đường 5 kéo dài, QL1A; một số tuyến cao tốc kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành khác trong khu vực (Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng; Nội Bài – Bắc Ninh, Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình…), đã mang lại diện mạo mới cho Hà Nội.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về cơ bản đã được phủ khắp trên địa bàn Hà Nội với tổng số 101 tuyến, gồm 73 tuyến buýt có trợ giá, 11 tuyến buýt không trợ giá, 9 tuyến buýt kế cận; 8 tuyến thí điểm. Đặc biệt đã đưa vào khai thác vận hành tuyến BRT đầu tiên trên cả nước.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã lập xong quy hoạch mạng lưới 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 305,6km; đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, với sự đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho phát triển thị trường BĐS Hà Nội.
“Đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là “chìa khóa vàng” để góp phần cho sự phát triển, thành công của thị trường BĐS”, ông Viện khẳng định.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng khung đối với Hà Nội hiện nay mới đang trong quá trình đầu tư phát triển theo quy hoạch và chưa hoàn chỉnh. Do đó, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị mới chỉ trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Theo quy luật, ở đâu mở đường thì ở đó hình thành xu hướng đón đầu hạ tầng để phát triển BĐS. Việc quy hoạch mạng lưới giao thông khu vực Đông Nam Hà Nội đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS phát triển, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Nổi bật nhất là các dự án như Times City, Gelexia Riverside, New Horizon City và đặc biệt là Gamuda Gardens.
Chủ đầu tư các dự án này cũng đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối trực tiếp nội khu với các đường lớn gồm: đường 300m nối ngã ba Gelexia Riverside – Gamuda Gardens ra đường Tam Trinh, đường 2,6km nối thẳng KĐT Gamuda Gardens lên cầu Vĩnh Tuy, đường từ Vành đai 3 đến Gamuda Gardens, qua Gelexia Riverside, New Horizon City, Times City để ra thẳng đường Minh Khai.
![]() |
Việc quy hoạch mạng lưới giao thông khu vực Đông Nam Hà Nội đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS phát triển, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Song hành phát triển
Đánh giá về BĐS khu vực phía Đông Nam, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, cho rằng do trước đây, hạ tầng giao thông khu vực này chưa được mở rộng nên thị trường ảm đạm. Chỉ đến khi hạ tầng giao thông được thực hiện, kéo theo việc tăng tốc đầu tư hàng loạt dự án thì thị trường mới trở nên sôi động cả về thanh khoản và biến động giá.
“Rõ ràng, việc mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đã trở thành điểm nhấn tạo nên sức hút cho thị trường BĐS phía Đông Nam Hà Nội”, ông Viện nói.
Tại khu vực phía Tây Hà Nội, các chuyên gia BĐS đánh giá đây là khu vực chiếm phần lớn các dự án cao cấp và tính thanh khoản cao nhất so với các khu vực khác. Khi hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, chắc chắn sẽ tạo ra một lực đẩy mới cho thị trường BĐS ở đây.
Dọc Đại lộ Thăng Long, hàng loạt dự án như Vinhome Thăng Long, Bắc An Khánh, Splendora, Thăng Long Victory, Gemek Tower; tại tuyến đường Phạm Hùng, hàng loạt dự án có tên tuổi khác như Keangnam Landmark, Indochina Plaza, Dolphin Plaza, FLC Complex, Sunshine Center… rất hút khách.
Tại khu vực ngã tư Vạn Phúc – Tố Hữu, quy tụ hàng loạt dự án như Tokyo Tower, An Thái Tower, Galaxy Him Lam… Đa phần là những chung cư cao cấp với nhiều tiện ích đi kèm như bể bơi 4 mùa, trung tâm thương mại, trường học, hồ điều hòa…
Ông Thịnh đánh giá các dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội sẽ quy tụ số lượng lớn dân cư trí thức, đại đa số khách hàng có thu nhập cao và người nước ngoài đến Việt Nam học tập, công tác.
Nhận định của nhiều chuyên gia BĐS cho thấy lượng khách mua nhà khu phía Tây ngày càng nhiều. Hiện, nhà mẫu của các dự án ở khu vực này luôn thu hút lượng lớn khách hàng đến thăm quan.
Đa phần người mua nhà ở khu phía Tây đều để ở chứ không phải đầu tư, bởi môi trường sống tốt, rộng rãi, không gian sống trong lành.
“Hầu hết dự án quanh khu vực Hà Đông, dọc tuyến đường Tố Hữu – Vạn Phúc đều nằm trong vùng có hạ tầng tốt, mức giá hợp lý nên mua nhà tại khu vực này cho mục đích ở hay đầu tư đều có lợi”, ông Viện đánh giá.
Minh Sơn