Chiều 13/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp xã giao ông An Kuk Jin, Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển THT đã thay mặt Công ty TNHH phát triển THT và Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam (Daewoo E&C) và ông Kim Jung In- Chủ tịch Công ty SEIN I&D Việt Nam.
Rộng cửa cho nhà đầu tư Hàn Quốc
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã quy hoạch không gian đô thị cụ thể. Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội cần tạo được những không gian đô thị xứng với tầm vóc Thủ đô, gắn với văn hóa và có những giá trị trường tồn.
Tòa nhà Lotte trên đường Liễu Giai, Hà Nội là một trong những biểu tượng hợp tác, đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam. |
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Kim Jung In- Chủ tịch Công ty SEIN I&D Việt Nam cho biết, lĩnh vực công nghiệp sản xuất chất bán dẫn là một trong thế mạnh hiện nay của Hàn Quốc, cũng như của Công ty SEIN I&D Việt Nam. Vì thế, ông Kim Jung In mong muốn lãnh đạo Thành phố Hà Nội tạo điều kiện, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, cung cấp và đào tạo lao động chất lượng cao để Công ty SEIN I&D phát triển tổ hợp sản xuất vi mạch.
"Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Hàn Quốc nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung đầu tư hiệu quả tại Hà Nội", Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định.
Quan sát những động thái gần đây của các doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy, dường như họ đang có những "toan tính" đầu tư mạnh hơn vào Hà Nội. Đặc biệt, hiện nay, việc Hà Nội đang có chủ trương xây dựng, phát triển 5 huyện ngoại thành thành quận nên sẽ có rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản... Bản thân thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm tới các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, để thu hút hơn nữa đầu tư từ Hàn Quốc vào Hà Nội thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng với Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan. Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan cho biết, hiện nay, giữa TP. Hà Nội và các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn thiếu các cơ chế hợp tác để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khi có vướng mắc phát sinh. Đồng thời bày tỏ mong muốn TP sớm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải tại Hà Nội như tại dự án khu phức hợp mua sắm khu đô thị Tây Hồ Tây, dự án của tập đoàn Charmvit tại Sóc Sơn...
"Hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, môi trường và chống biến đổi khí hậu, cũng như các dự án đô thị thông minh và xử lý rác thải, nhất là phân loại rác thải từ nguồn trên địa bàn Hà Nội". Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết.
Thu hút FDI theo chiều sâu
Số liệu thống kê từ Bộ KHĐT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 trên tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng vẫn đang tiếp tục là một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Đặc biệt, việc có khoảng trên 80% vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 là vốn mở rộng từ những dự án hiện hữu. Đây là điểm vô cùng tích cực, điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và họ muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, 8 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 3 cả nước và đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiệu quả, Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc mới đây đã mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, ông Yoon Dae Hee cho biết, không chỉ bảo lãnh tài chính cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, quỹ còn giúp bảo lãnh tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, cho biết, thời gian tới TP. Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Đồng thời, thành phố tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố.
Với những động thái gần đây của các doanh nghiệp Hàn Quốc, các chuyên gia dự báo rằng, thời gian tới vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Hà Nội sẽ tiếp tục tăng mạnh và có thể bùng nổ trở lại.
Trà My