Trong năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) đón 23 "tân binh" niêm yết trên HoSE, 7 đơn vị trên HNX và 122 doanh nghiệp (DN) giao dịch trên UPCoM. Quy mô thị trường cũng ngày càng được mở rộng nhờ sự nhập cuộc của nhiều DN có giá trị vốn hóa lớn.
Cuộc đua lên sàn
Ngành hàng không đã có một năm "được mùa lên sàn" trong năm 2018 khi CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (mã: AST) có màn "xông đất" sàn HoSE khá thành công ngày 4/1.
Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 45.000 đồng/cp, AST đã tăng trần 5 phiên liên tiếp ngay sau khi lên sàn và nối dài đà tăng đến giữa tháng 3/2018 thiết lập mức đỉnh 82.400 đồng/cp, tương đương tăng 85%.
Sự khởi đầu khá thuận lợi của Taseco cũng làm cho nhiều DN hàng không thúc đẩy quá trình chuyển sàn. Năm 2018, ngoài Taseco, HoSE còn đón thêm hai "tân binh" trong ngành này chuyển sàn sang niêm yết là SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC).
Không kém cạnh, những "chiến binh" ngân hàng cũng có một cuộc đua lên sàn với cái tên đầu tiên là HDBank (HDB).
Ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu HDB đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ góp phần đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tổng cộng 21% vốn hóa toàn sàn.
Nối tiếp thành công của HDB, giữa tháng 4/2018, 555 triệu cổ phiếu TPB của TPBank chính thức đi vào giao dịch với mức giá 32.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa đạt 18.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm mới lên sàn, TPB là một trong 25 mã cổ phiếu có mức vốn hóa cao nhất sàn HoSE, đồng thời đưa vốn hóa nhóm cổ phiếu "vua" chiếm 22% vốn hóa toàn sàn.
Gây chú ý nhất phải kể đến TCB của Techcombank với 1,16 tỷ cổ phiếu chào sàn và giá chào sàn được xem là đắt nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam: 128.000 đồng/cp. Tại thời điểm mới lên sàn, vốn hóa của Techcombank trên thị trường chứng khoán chỉ đứng sau Vietcombank.
Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng "kéo" nhau lên sàn trong năm 2018 trước bối cảnh tín dụng cho ngành này đang bị siết chặt.
Cái tên đình đám nhất trong số này là cổ phiếu VHM của Vinhomes – một thành viên trong "hệ sinh thái" Vingroup. Ngoài ra, cũng có những cái tên gây được sự chú ý như cổ phiếu HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons, DPG của Bất động sản Đạt Phương, LMH của Landmark Holding…
Trong năm 2018, TTCK còn ghi nhận một công ty truyền thông đầu tiên niêm yết là CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG), thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư cũng như giới truyền thông bởi mức giá chào sàn 250.000 đồng/cp, vượt mặt cả "ông lớn" Sabeco, Vinamilk…
Đón đầu cơ hội từ Hiệp định CPTPP, nhiều DN dệt may cũng nhanh chóng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên TTCK như: Tổng công ty May 10 – CTCP (M10), Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (HSM), Tổng công ty May Nhà Bè (MNB)…
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư vào cổ phiếu mới chào sàn |
Bài học cho nhà đầu tư
Ngay sau khi đạt được mức giá đỉnh 82.400 đồng/ cp, cổ phiếu AST đã giảm sâu đến vùng giá 57.200 đồng/cp, tương đương giảm 30,5% chỉ trong một thời gian ngắn.
Hiện, AST đã có sự hồi phục về vùng giá 67.000 đồng/cp nhưng còn cách khá xa so với mức đỉnh đã đạt được, đồng thời cũng đã kịp để lại cho nhà đầu tư một "bài học xương máu".
Trong khoảng 3 tháng giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HDB nhanh chóng thiết lập nhiều mức đỉnh mới và chạm ngưỡng gần 50.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), nhưng trong những tháng cuối cùng của năm 2018, HDB đã "rớt thảm" xuống mức 29.000 đồng/cp.
Tương tự HDB, ngay sau khi lên sàn, TCB đã ghi dấu ấn bằng nhiều đợt chia tách cổ phiếu, hiện thị giá của TCB chỉ giao dịch quanh mức giá 27.000 đồng/cp, chưa bằng 1/5 mức giá chào sàn, thậm chí có thời điểm còn rơi xuống giao dịch tại mức 25.000 đồng/cp.
Vẫn còn nhiều dấu hỏi trong những giao dịch của YEG hồi mới chào sàn, nhưng xét về thị giá thì ngay sau khi tăng mạnh lên 343.000 đồng/ cp, hiện YEG đang giao dịch quanh mức 236.000 đồng/cp. Tại mức giá này, thị giá của YEG đã giảm khoảng 5,6% so với mức giá chào sàn nhưng đã giảm 31,2% so với đỉnh.
Mặc dù thị giá đã giảm nhiều so với mức giá chào sàn, nhưng số phận của những cái tên kể trên vẫn được đánh giá là tươi sáng, bởi nhà đầu tư mặc dù thua lỗ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến chúng.
Trong khi đó, cũng là "tân binh" nhưng cổ phiếu SJG của Tổng công ty Sông Đà lại thiếu may mắn khi rơi thảm từ mức giá chào sàn 11.100 đồng xuống còn 6.300 đồng/cp và gần như không được nhà đầu tư ngó ngàng tới.
Hay như trường hợp của cổ phiếu AAV của Việt Tiên Sơn Địa Ốc. Lên sàn từ tháng 6/2018, AAV âm thầm tăng giá từ mức chào sàn 12.200 đồng lên đến hơn 28.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) nhưng sau đó là chuỗi ngày điều chỉnh dài hạn về mức dưới mệnh giá như hiện nay.
Lên sàn trong bối cảnh cổ phiếu dệt may đang được xem là "ngôi sao" của sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu TDT của CTCP Đầu tư và Phát triển TDT lại giảm mạnh về mức giá 11.800 đồng/cp từ mức giá 15.000 đồng/ cp hồi chào sàn.
"Thảm" hơn cổ phiếu HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng còn bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 20/9/2018 do chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2018.
Nhìn chung, TTCK càng có nhiều tên mới thì quy mô càng mở rộng, từ đó mang lại nhiều cơ hội cho giới đầu tư. Tuy nhiên, bài học "mới niêm yết thì mua không được, mua được rồi thì bán không ai mua" của nhiều cổ phiếu chào sàn đã khiến các nhà đầu tư phải trả giá đắt.
Trong thời gian tới, sẽ có nhiều cái tên mới nữa sẽ lên sàn, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ, cân đong đo đếm để không vấp vào "vết xe đổ".
Linh Đan