Trước khi chọn đối tác chiến lược, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã tổ chức IPO lần đầu ra công chúng với tổ chức buổi chào bán đấu giá 11.32 triệu cổ phần đã thu hút đông đảo sự chú ý nhà đầu tư với giá bình quân là 80.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, Vissan tiếp tục chiến dịch quảng bá mạnh mẽ cho việc bán 11.33 triệu cổ phần cho ba nhà đầu tư chiến lược đó là: CTCP Việt - Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (Proconco), CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và Tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc).
Mục tiêu của Vissan là ai trả giá cao hơn sẽ trở thành cổ đông chiến lược. Vì vậy, họ đưa ra mức giá khởi điểm chào bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ là 80.100 đồng/cổ phiếu.
|
Cuộc đua về giá
Trong phiên đấu giá ngày 24/3, Anco đã chính thức vượt qua Proconco và CJ để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan khi đưa ra mức giá cao nhất là 126.000 đồng/cổ phiếu. Còn Proconco đặt mức giá 125.000 đồng/cổ phiếu và CJ chỉ đưa ra mức giá 120.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Anco sẽ phải chi ra gần 1.428 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ 11.33 triệu cổ phiếu Vissan chào bán cho nhà đầu tư chiến lược đợt này.
Sau đợt chào bán này, cơ cấu cổ đông của Vissan gồm Nhà nước giữ 65% vốn, Anco giữ 14%, các cổ đông bên ngoài khác chiếm 14% và còn lại 7% sẽ dành cho cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn của công ty, tương đương vốn điều lệ 809 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu về từ hơn 2.500 tỷ đồng từ đợt IPO (hơn 900 tỷ) và đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (hơn 1.400 tỷ đồng) sẽ do Nhà nước thu về, Vissan sẽ giữ lại vốn điều lệ hoạt động của mình.
Trước đó, Tập đoàn CJ Hàn Quốc đã trúng 3,3 triệu cổ phiếu Vissan ở mức chỉ là 102.000/cổ phiếu, tương đương số tiền 336,6 tỉ đồng. Một công ty con khác của CJ là Công ty TNHH CJ Vina Agri đặt mua 8 triệu cổ phiếu ở mức giá gần bằng giá trúng thầu thấp nhất nhưng không thành. Nếu công ty con thứ hai của CJ mạnh tay, họ có thể đã “ôm” trọn 14% cổ phần bán ra công chúng của Vissan. Vì vậy, CJ đã quyết tâm trở thành cổ đông chiến lược trong cuộc chiến về giá vào ngày 24/3.
![]() |
Các chiêu bài tung ra...
Trước đó, ngày 23/3, trước phiên đấu giá được cho là rất kịch tính để trở thành cổ đông chiến lược, có những nguồn tin cho rằng: Hai đối tác là Anco và Proconco đã đồng loạt gửi thư muốn xin rút đơn đăng ký đấu giá và tiền cọc với lý do: Không được thuyết phục và không được tôn trọng.
CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) đã gửi thư cho ban lãnh đạo Vissan nêu rõ: Doanh nghiệp này “cảm thấy không được thuyết phục” trong cách thức mà Ban chỉ đạo cổ phần hoá Vissan đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Do đó, Anco muốn tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc cho buổi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của Vissan.
CTCP Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) cũng đã bày tỏ “sự thất vọng về cách Ban chỉ đạo cổ phần hoá đối xử với một nhà đầu tư chiến lược”. Những lý do trên khiến Proconco “cảm thấy không được tôn trọng và không thoả mãn về kết quả trả lời và nội dung họp của Ban chỉ đạo đối với thắc mắc của nhà đầu tư” nên Proconco có thể hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vissan. Vì vậy, Proconco cũng muốn tìm hiểu về thủ tục rút đơn đăng ký đấu giá và hoàn trả tiền đặt cọc.
Việc đưa ra những thông tin chẳng hay ho gì giữa các đối thủ tung ra nhằm gây bất lợi cho nhau, CJ cũng đã phản hồi cho rằng Proconco đã dùng những thông tin sai lệch nhằm gây tổn hại đến hình ảnh của CJ CheilJedang và gây nhiễu thị trường bằng những thông tin không có căn cứ. CJ đã nhờ cậy Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM thay mặt Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Thành uỷ, Thường trực Uỷ ban Nhân dân TP.HCM có những chỉ đạo nghiêm khắc, phù hợp, kịp thời ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như trên.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều có bàn tay đạo diễn đứng phía sau rất là xuất sắc. Cuối cùng, Vissan đã tổ chức đấu giá thành công với giá cao ngất ngưởng. Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan - trước đây có phần nghiêng về cổ đông ngoại từng mua với giá 102.000 đồng/ cổ phiếu, nay phải chấp nhận Anco là cổ đông chiến lược.
Hiện tại, Vissan đang có doanh thu 4.000 tỉ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế 100 tỉ đồng, EPS dự kiến 1.236 đồng/cổ phiếu, tức chỉ số P/E 113 lần. Còn tính trên giá cao nhất là 126.000 đồng/cổ phiếu mà Anco vừa mua thì P/E cũng hơn 113 lần. Đây có lẽ là P/E cao nhất thị trường hiện nay.
Dù sao Vissan cũng đã thu về khoản tiền rất lớn để thực hiện mục tiêu của mình là triển khai xây dựng nhà máy thực phẩm tại Long An với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD với quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á.
Lê Thuận