![]() |
Sau thoái vốn, nhiều khả năng Bộ Xây dựng vẫn là cổ đông lớn nhất của Viglacera |
Giá khởi điểm đấu giá không thấp hơn 23.000 đồng/cp và giá tham chiếu của cổ phiếu VGC bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.
Tạm tính theo mức giá khởi điểm, giá trị chào bán cổ phiếu của Bộ Xây dựng lên tới hơn 1.853 tỷ đồng.
Như vậy, Bộ Xây dựng không chọn phương án thoái trọn lô toàn bộ vốn - phương án từng tạo ra thành công lớn cho SCIC khi thoái vốn tại Vinaconex cách đây không lâu. Nếu thoái vốn thành công, Bộ này nhiều khả năng vẫn là cổ đông lớn nhất của Viglacera với tỷ lệ sở hữu 36%.
Từ đầu năm tới nay, diễn biến cổ phiếu VGC khá tích cực khi tăng một mạch từ vùng 18.000 đồng/cp lên gần hơn 22.100 đồng/cp (phiên 4/3). Mức giá hiện tại của VGC vẫn thấp hơn so với giá khởi điểm chào bán.
Những ngày gần đây, cổ phiếu VGC đã có nhiều giao dịch đột biến khi nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra toàn bộ 44 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,8%) cho nhà đầu tư trong nước.
Chưa rõ danh tính bên nhận chuyển nhượng, nhưng nhiều khả năng đây là bước đi đầu tiên để nắm quyền kiểm soát Viglacera, sau khi Nhà nước thoái vốn. Điều này đồng nghĩa với việc đã có nhà đầu tư “đặt gạch”, quan tâm mua lượng lớn cổ phần của Viglacera.
Bộ Xây dựng ủy quyền cho ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ Người đại diện phần vốn nhà nước, Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera phối hợp với HĐQT Tổng công ty triển khai các thủ tục cần thiết theo quy định để thực hiện thoái vốn theo phương án trên.
Đồng thời lưu ý Viglacera phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng toàn bộ quỹ đất theo đúng mục đích sử dụng đất đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có bất kỳ sự thay đổi nào về mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về đất đai và Luật kinh doanh bất động sản.
H.T