Thời sự | Thứ sáu, 12/6/2020 | 16:21 GMT+7
0 |

Những "vết rạn" trong nền kinh tế Mỹ

Không cần chờ số liệu tăng trưởng GDP quý II, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) công bố nước Mỹ đã rơi vào suy thoái từ tháng 2 năm 2020, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục.

Hôm 8/6, NBER đưa ra thông báo công bố: "Mức độ suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất, cùng quy mô lớn trên toàn nền kinh tế, cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù nó có vẻ sẽ ngắn hơn các đợt suy thoái trước".

NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Họ từ lâu đã được coi là cơ quan quyết định chính thức về tình trạng chu kỳ kinh tế tại xứ xở cờ hoa.

Kinh tế Mỹ hiện lao dốc nhanh đến mức NBER không chần chừ trong việc công bố suy thoái. Đây là động thái hoàn toàn trái ngược so với các lần trước, khi cơ quan này thường vô cùng thận trọng. Đây cũng là lần thông báo nhanh nhất của họ kể từ lần đầu tiên chính thức làm việc này vào năm 1979.

Các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn đại dịch lây lan đã kéo tụt hoạt động kinh tế tại Mỹ, từ hàng không, du thuyền đến các nhà hàng, buổi diễn Broadway. Hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Các công ty lớn như JCPenney, J.Crew và Hertz đã phá sản.

Các nhà kinh tế thì dự báo GDP quý II năm 2020 của Mỹ sẽ giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính. Thông thường, các nhà kinh tế học định nghĩa suy thoái là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I, với GDP giảm 5%.

Tuy nhiên, NBER đã quyết định không đợi thêm một quý giảm nữa để công bố, dù tất cả đều dự báo GDP quý này sẽ đi xuống. "Nền kinh tế đã co lại rất nhanh trong tháng 3", NBER cho biết. Đến hết quý I, cả GDP và số liệu việc làm đều "thấp hơn đáng kể" so với quý cuối năm ngoái.

Dù cuộc khủng hoảng này bắt đầu khá đột ngột, các chuyên gia cũng kỳ vọng nó sẽ kết thúc sớm. GDP được dự báo tăng trở lại trong quý III, khi các công ty tiếp tục mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu du lịch.

Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được hỗ trợ bằng hàng loạt chính sách chưa từng có tiền lệ của chính phủ. Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kỷ lục, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, xóa nợ cho doanh nghiệp nhỏ và cứu trợ một số công ty lớn.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã hạ lãi suất xuống 0%, cam kết mua trái phiếu không giới hạn và tung ra hàng loạt chương trình cho vay khẩn cấp. Họ cũng lần đầu tiên mua trái phiếu doanh nghiệp, kể cả trái phiếu rác.

3 tháng qua là thời gian tồi tệ về tài chính với rất nhiều người Mỹ, trừ các tỷ phú. Theo báo cáo công bố hôm qua của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), các tỷ phú Mỹ đã có thêm 565 tỷ USD kể từ ngày 18/3. Tổng tài sản của nhóm này hiện là 3.500 tỷ USD, tăng 19% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát tại Mỹ. Chỉ riêng ông chủ Amazon Jeff Bezos đã có thêm 36,2 tỷ USD.

Dù vậy, theo báo cáo mới nhất hôm qua, gần 43 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày đó. Những lao động thu nhập thấp, đặc biệt trong các ngành dịch vụ và du lịch, chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc khủng hoảng y tế này.

Con số trên cũng càng làm nổi bật sự chênh lệch giàu nghèo vốn đang châm ngòi cho bất ổn xã hội tại Mỹ. Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại đang càng khiến việc này tồi tệ hơn.

"Thị trường chứng khoán đang lên cao, và ngày càng xa rời hiện thực kinh tế. Chính điều này đang khiến bất ổn càng trầm trọng", Kristina Hooper - chiến lược gia thị trường tại Invesco, cho biết.

Bất chấp biểu tình trên các đường phố Mỹ và con số kỷ lục 43 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chỉ số Nasdaq vẫn đang trên đà lập các kỷ lục mới. Tốc độ phục hồi của chứng khoán Mỹ khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Các chính sách khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), như hạ lãi suất xuống 0% và cam kết mua trái phiếu không giới hạn, được tung ra nhằm giúp các tài sản rủi ro, như cổ phiếu, hấp dẫn hơn. Nhà đầu tư vì thế đổ tiền vào chứng khoán, khiến các đại gia công nghệ đặc biệt có lợi.

Các hãng công nghệ lớn không chỉ tồn tại trong đại dịch. Rất nhiều công ty còn phất lên. Cuộc khủng hoảng đang khiến Amazon quan trọng hơn bao giờ hết. Cổ phiếu hãng này đã tăng 47% kể từ đáy tháng 3. Facebook cũng rất nhanh chóng hồi phục lên đỉnh. Tài sản của ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg đã tăng 30,1 tỷ USD kể từ ngày 18/3, báo cáo của IPS cho biết.

Nhiều ông chủ các hãng công nghệ lớn khác cũng có thêm khối tài sản khổng lồ trong 3 tháng qua. Elon Musk - ông chủ Tesla, đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page, cựu CEO Microsoft Steve Ballmer đều có thêm hơn 13 tỷ USD .

"Tài sản các tỷ phú tăng vọt trong khi hàng triệu người thất nghiệp đã làm rạn nứt sự đoàn kết xã hội, khiến chúng ta phải mất nhiều năm nữa mới hàn gắn được", Chuck Collins - đồng tác giả IPI, cho biết.

Dĩ nhiên, hàng triệu người Mỹ cũng hưởng lợi từ đà phục hồi thần tốc của thị trường chứng khoán. Giá trị các quỹ lương hưu, danh mục đầu tư và quỹ đầu tư theo chỉ số tăng mạnh. Ví dụ, một quỹ đầu tư theo S&P 500 cũng có thể giúp nhà đầu tư sinh lời gần 40% kể từ đáy tháng 3.

Tuy vậy, nhìn chung, việc chứng khoán tăng vọt làm lợi cho người giàu hơn là phần còn lại của nền kinh tế. Theo số liệu năm 2016 của Giáo sư Đại học New York - Edward Wolff, 10% hộ gia đình Mỹ sở hữu 84% số cổ phiếu.

Xu hướng này giải thích được phần nào bất ổn đang bóp nghẹt nước Mỹ. Dù nguyên nhân ban đầu là sự bạo lực của nhóm cảnh sát, khiến một người da màu thiệt mạng, các cuộc biểu tình và bạo loạn sau đó lại dựa trên nguyên nhân bất bình đẳng kinh tế. Và đại dịch đang khiến vấn đề này càng trầm trọng.

"Cả 2 vấn đề đều dễ gây kích động - đó là mất thu nhập và bất bình đẳng giàu nghèo", Joe Brusuelas - kinh tế trưởng tại RSM International kết luận.

Giữa cơn bão tưởng như chưa thấy hồi kết, Bộ Lao động Mỹ hôm 5/6 công bố nền kinh tế nước này đã tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống còn 13,3%. Các số liệu này cách rất xa dự báo của các nhà kinh tế học, cho thấy Mỹ đang tiến gần thời điểm kinh tế bật tăng trở lại.

Trước đó, các nhà phân tích trong khảo sát của Dow Jones cho rằng số việc làm mất đi trong tháng 5 vào khoảng 8,33 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ lên tới 19,5%. Nếu con số này thành hiện thực, đây sẽ là tháng tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái thập niên 30.

Tuy nhiên, thực tế là số việc làm tạo ra trong tháng 5 cao nhất kể từ năm 1939. Lần cuối cùng Mỹ ghi nhận mức tăng việc làm lên đến hàng triệu là tháng 9/1983.

CNN lý giải đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, khiến các nhà kinh tế khó đoán chính xác diễn biến trên thực tế. Và kể cả khi số liệu tháng 5 rất lạc quan, vẫn còn nhiều yếu tố thiếu chắc chắn khác, khiến việc dự báo có thể tiếp tục khó khăn.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt sau báo cáo việc làm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng mạnh. Lợi suất loại kỳ hạn 10 năm hôm qua lên 0,91%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dĩ nhiên rất hài lòng về tin tức này. Ông viết trên Twitter: "Đây là số liệu cực kỳ ấn tượng. Rất đáng vui mừng. Thị trường chứng khoán đã đúng".

"Có vẻ thiệt hại từ lệnh phong tỏa trên toàn quốc không quá trầm trọng, hay kéo dài như chúng ta lo ngại cách đây một tháng", Scott Clemons – chiến lược gia đầu tư tại Brown Brothers Harriman nhận định.

"Khi ngăn chặn được đợt bùng phát thứ hai của Covid-19, kinh tế Mỹ có lẽ đã đến bước ngoặt rồi. Bằng chứng là số liệu việc làm đáng ngạc nhiên hôm nay, dù chúng ta vẫn cần chờ xem thời kỳ bình thường mới sẽ như thế nào", Tony Bedikian – Giám đốc Các thị trường toàn cầu tại Citizens Bank cho biết.

Số việc làm được tạo thêm gần như khớp với mức giảm 2,7 triệu lao động được ghi nhận là tạm thời mất việc. "Hồi tháng 4, chúng ta có hy vọng mong manh khi 78% số người thất nghiệp tin rằng họ chỉ mất việc tạm thời. Có vẻ sự lạc quan đó có cơ sở. Khi nền kinh tế ngừng phong tỏa và mọi người quay lại làm việc, số việc làm vẫn ở đó", ông Bedikian nói.

Các lao động ngành giải trí và nhà hàng - khách sạn đóng góp gần nửa mức tăng tháng trước. 1,2 triệu người đã quay lại làm việc. Số việc làm trong các quán bar và nhà hàng tăng mạnh khi các bang dần nới lỏng giãn cách xã hội.

Nhóm hưởng lợi thứ nhì là xây dựng, khi tạo thêm 464.000 việc làm. Giáo dục và chăm sóc y tế tăng thêm 424.000 việc làm. Trong khi đó, bán lẻ tăng thêm 368.000 việc làm, sau khi mất 2,3 triệu việc tháng trước.

"Có vẻ các doanh nghiệp đã bắt đầu tuyển dụng lại, với số lượng mạnh hơn dự báo. Đây là xu hướng sẽ tiếp tục khi lệnh phong tỏa được nới lỏng trên cả nước", Eric Winograd – nhà kinh tế học tại AllianceBernstein nhận xét, "Nói rõ ràng thì mọi thứ vẫn còn cách trạng thái bình thường rất xa. Tuy nhiên, nếu duy trì được tốc độ cải thiện này, sự lạc quan trong nửa cuối năm sẽ có cơ sở hơn".

----------------------

HT (theo CNN)

Design: Hưng Nguyên

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu