Cooperatives | Thứ hai, 5/12/2022 | 07:45 GMT+7
0 |

Phát triển cây thuốc dân tộc vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Nam và vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã

Với việc phát triển cây thuốc dân tộc song hành với phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhiều năm trở lại đây các HTX cây thuốc dân tộc trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Qua đó, không chỉ bảo tồn và phát triển được các loại cây thuốc quý, hiếm chỉ có ở Quảng Nam mà quan trọng hơn là tạo sinh kế cho người dân, khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tập thể, HTX, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm tới sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, UBND các huyện miền núi chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, các chương trình chính sách trên địa bàn để thực hiện đầu tư có hiệu quả. 

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần tự lực tự chủ của người dân, đồng thời phát huy lợi thế về tự nhiên, các giá trị văn hóa vật thể , phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số, phát triển ngành nghề truyền thống, phát huy địa thế về du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xã được tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế và 85,4% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 22/10/2012 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường công tác kết nghĩa, giúp đỡ các xã miền núi đặc biệt khó khăn đã có chuyển biến rõ nét và đạt những kết quả nhất định theo mục đích, yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, công tác dân tộc còn không ít những tồn tại, hạn chế so với sự phát triển chung của toàn tỉnh và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa một số nơi còn bất cập; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao.

Đặc biệt, để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS, nhiều năm nay tỉnh Quảng Nam có chủ trương phát triển các cây thuốc dân tộc, vừa bảo tồn phát triển, vừa xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng, có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; đa dạng về chủng loại với 832 loài, thuộc 593 chi, 190 họ, trong đó một số cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng nhiều trong lĩnh vực y học, phục vụ nhu cầu đời sống, chăm sóc sức khỏe như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đảng sâm, sa nhân, giảo cổ lam…

Các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam phần lớn đều hội đủ các điều kiện để trồng cây dược liệu. Các loại cây dược liệu đã được người dân đưa vào trồng đa dạng về chủng loại như: Quế Trà My, đẳng sâm, sâm quy, giảo cổ lam, sơn tra, sa nhân… Xác định trồng cây dược liệu là hướng đi đúng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, chính quyền và ngành chức năng địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng; Đồng thời cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Phần lớn các huyện đã triển khai mô hình nhóm hộ trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong số các loại cây dược liệu, sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam. Đây là một trong những lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.

Đề án “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017- 2025, định hướng đến năm 2030”, địa phương tiến hành quy hoạch trồng và phát triển 6 loài dược liệu chính là đảng sâm, ba kích, sa nhân tím, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến.

Các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Nam Trà My được chọn để quy hoạch, trồng và phát triển giống kết hợp sản xuất, cung cấp nguồn giống. Các huyện miền núi khác cũng được chọn triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng thuần, trồng xen canh, luân canh…

Để triển khai đề án trồng dược liệu, tỉnh Quảng Nam xây dựng các trung tâm nhân giống, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người dân mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến dược liệu đang đầu tư vào Quảng Nam. Lợi ích của từ việc trồng cây dược liệu chính là hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn, rủi ro thấp.

Quảng Nam là địa phương có phong trào phát triển HTX từ khá sớm, đến nay toàn tỉnh đã có 539 HTX, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện chuyển đổi số sản xuất cũng như tiêu dùng tại địa phương.

Nhằm phát triển kinh tế tập thể, HTX, UBND Tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 2735/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, thành lập mới khoảng 300 - 350 THT, 200 - 250 HTX, 02 - 03 Liên hiệp HTX. 

Các THT, HTX, Liên hiệp HTX thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 02 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 4% - 5%/năm, THT tăng khoảng 2% - 3%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3% - 5%/năm. Lãi bình quân của HTX tăng khoảng từ 2 - 5%/năm, THT tăng khoảng 2% - 3%/năm.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận tỉ lệ HTX trong khu vực đồng bào DTTS vẫn còn ít so với các địa bàn khác.

Để xây dựng các mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tập hợp bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia mô hình Tổ hợp tác (THT) và Hợp tác xã (HTX) để sản xuất bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo.

Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025

Đặc biệt, huyện Tây Giang và huyện Nam Trà My là hai địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với rất nhiều loài cây dược liệu. Phát huy thế mạnh đó, từ nhiều năm nay, hai huyện này đã tập trung nguồn lực để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Nam Trà My phong phú, đa dạng về chủng loại cây dược liệu như quế Trà My, đảng sâm, sâm quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm), sơn tra, sa nhân… Nhiều năm qua, huyện Nam Trà My đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế bằng cách trồng cây dược liệu. Các ngành chuyên môn cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hộ nào đạt tỷ lệ cây sống cao mới đủ điều kiện cấp kinh phí hỗ trợ ( 15 triệu đồng/héc ta). Hiện 10/10 xã của huyện đều triển khai mô hình nhóm hộ trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Huyện Tây Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện lên 2.500ha, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm dược liệu, tạo thu nhập ổn định và phấn đấu đưa 1 - 2% hộ nghèo có tham gia liên kết trồng dược liệu thoát nghèo. Cây đảng sâm được ưu tiên phát triển tại 3 xã vùng cao Ch’Ơm, Ga Ry và A Xan.

Cây ba kích tập trung tại 6 xã vùng thấp, trọng tâm là 3 xã Lăng, Tr’Hy và A Tiêng. Cây sả hương phát triển tại 3 xã A Xan, Tr’Hy và A Tiêng. Một số cây dược liệu hỗ trợ cũng được khuyến khích trồng gồm sơn tra (táo tây), chè dây, tiêu rừng, sa nhân, sâm 7 lá 1 hoa, quế nam, gừng...

Từ thành công của kết quả nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My về xã Ch’Ơm vào năm 2004, huyện đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh trồng tại Ch’Ơm.

Tây Giang đã xây dựng thành công chuỗi giá trị từ cây sả hương, tạo đà cho doanh nghiệp, hướng tới phát triển vùng nguyên liệu từ cây sả. Các cơ sở kinh doanh cây dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu như Chính Châu, Đức Huy và một số cơ sở nhỏ như Hợp tác xã Thiên Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’Ơm, Ga Ry thời gian qua đã tham gia liên kết cung ứng giống, sản xuất, tiêu thụ cây ba kích, đảng sâm với người dân.

Đơn cử như HTX Trường Sơn Xanh với chức năng thu mua sản phẩm các cây dược liệu như đẳng sâm, táo mèo, sa nhân.

Thời gian qua, huyện Tây Giang triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Đẳng sâm, Ba kích... vốn là loài cây quen thuộc với đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang. Từ loài giống chuẩn bản địa, cùng với chế độ canh tác hoàn toàn theo tự nhiên, đã góp phần tạo ra những hoạt chất, đặc tính quý giá vốn có của các loài dược liệu quý này. Tuy nhiên, do không biết canh tác đúng kỹ thuật nên giá trị thu lại thấp, bị thương lái ép giá, cùng với đó đầu ra cho sản phẩm không có nên người dân không mặn mà trồng.

Huyện Tây Giang triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Theo đó là sự ra đời HTX Trường Sơn Xanh với chức năng thu mua sản phẩm các cây dược liệu như đẳng sâm, táo mèo, sa nhân.

Hiện nay, riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia.

Đẳng sâm vốn là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào Cơ Tu. Loài cây này đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Tây Giang thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ... sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch.

Từ nhiều năm nay, Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực có điều kiện, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để bảo tồn và phát triển, các chuyên gia cho rằng, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp:

Thứ nhất, việc phát triển các HTX cây dược liệu cần có mục tiêu rõ ràng và phải có quy hoạch chặt chẽ. Phát triển vùng nguyên liệu không nên thực hiện đại trà mà phải phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, vùng, có giá trị và lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, tiêu thụ tránh tình trạng phát triển tràn lan, được mùa mất giá.

Thứ hai, cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, HTX khi thành lập mới nói chung và thành lập HTX dược liệu nói riêng. Đặc biệt, khi các HTX này xây dựng các điểm thu mua, nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, liên kết sản xuất với người dân và cam kết thu mua sản phẩm dược liệu sau khi thu hoạch để giải quyết tốt vấn đề đầu ra của sản phẩm gắn với thị trường.

Thứ ba, việc Nhà nước hỗ trợ để phát triển HTX cây dược liệu nhưng không chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng, đến lúc khai thác nhưng không tiêu thụ được sẽ lâm vào cảnh nợ nần, bài học từ cây cao su đã minh chứng rất rõ điều này. Do đó, việc hỗ trợ phát triển các HTX song hành với việc tìm kiếm thị trường đầu ra cần được thực hiện song song.

Thứ tư, tỉnh Quảng Nam cần lựa chọn các HTX trong lĩnh vực cây dược liệu để liên kết phát triển. Bên cạnh đó, với các thành viên, hộ sản xuất có thể liên kết thành các nhóm hộ có khả năng trồng thí điểm tại các khu vực phù hợp với từng loại dược liệu sau đó nhân rộng mô hình. Phương thức hỗ trợ sau đầu tư, nghĩa là HTX, người dân trồng, chăm sóc cây phát triển, chính quyền nghiệm thu, hỗ trợ theo các định mức quy định. Chủ động trong việc đảm bảo nguồn giống có chất lượng để phục vụ tại vườn giống.

Thứ năm, để tạo đầu ra ổn định, chế biến sâu, đem lại giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị, thời gian tới cần có cơ chế ưu đãi đủ mạnh để kêu gọi, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, hàng nông sản tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến.

Thứ sáu, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc riêng của địa phương, thời gian tới, Quảng Nam cần định hướng phát triển các HTX vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn miền núi.

Quốc Anh

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu