Từ vùng đất trũng thấp, kém hiệu quả với hơn 80% dân số là đồng bào có đạo sinh sống, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đoàn kết của người dân một số hộ dân xã Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình) đã thống nhất dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ cấy lúa sang trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp.
Chính sách “cởi trói” cho nông dân
Vốn chỉ sản xuất nông nghiệp, lại là vùng trũng thấp nên năng xuất lúa không cao, lại không có nghề phụ, những năm trước, Kim Tân vốn là xã nghèo của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhiều người dân ở đây cho biết, dù cần cù chịu khó, nhưng làm nông nghiệp năm được, năm mất, sản xuất trong vùng trũng thấp năng suất không cao nên may mắn cũng đủ ăn chứ không dư giả.
Nhận thấy việc chung thủy mãi với cây lúa ở vùng đất trũng thấp sẽ gắn cuộc sống với đói nghèo nên chính quyền địa phương đã mạnh dạn vận động người dân dồn điền đổi thửa và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Vũ Ngọc Khảm, xóm 2, xã Kim Tân, cho biết kể từ khi bắt đầu có chính sách dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương, người dân như được cởi trói khỏi cảnh sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
![]() |
Các thành viên HTX Kim Tiến cho biết, chính sách dồn điền, đổi thửa đã cởi trói cho nông dân và HTX. |
Từ chính sách của địa phương, năm 2015, gia đình ông Khảm đã dồn điền đổi thửa và thuê thêm một số diện tích đất công để chuyển đổi sang đào ao nuôi tôm, cá, nuôi ngan, vịt, trên bờ nuôi gà, trồng cỏ, trồng chuối, ổi, bưởi...
Ngoài 25.000m2 ao nuôi tôm, cá của gia đình, hơn 1.000m2 trên bờ trồng cỏ, chuối, các loại cây ăn quả khác, trung bình mỗi năm gia đình ông Khảm thu nhập được vài trăm triệu đồng, cao hơn hàng chục lần so với cấy lúa trước đây.
Gia đình ông Khảm có 3 người là lao động chính và trực tiếp sản xuất bằng việc cắt cỏ, chăm sóc tôm, cá, đổi công thu hoạch, năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 xảy ra nhưng thu nhập của gia đình được hơn 500 triệu đồng.
“Làm nông nghiệp chủ yếu là lấy công làm lãi nên nếu trừ chi phí như thức ăn, điện, xăng dầu, năm 2020 gia đình tôi thu lãi gần 400 triệu đồng”, ông Khảm nói.
Thành lập HTX để cùng nhau làm giàu
Không chỉ có hộ gia đình ông Khảm, mà ở xã Kim Tân có hàng chục gia đình sản xuất nông nghiệp trong vùng trũng thấp đã mạnh dạn chuyển đổi sang đào ao thả cá, chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt đa canh như gia đình ông Nguyễn Văn Công, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Ninh Bình, gia đình anh Lê Văn Vi ở xóm 8, gia đình ông Nguyễn Thế Cầu, gia đình anh Nguyễn Thế Anh...
Thấy nhiều hộ gia đình chuyển đổi mô hình sản xuất và cho thấy hiệu quả rõ nét, nhiều người dân nơi đây nhận thấy phải tập hợp, liên kết lại để hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và nhất là tìm đầu ra cho các sản phẩm…
Từ ý chí hiện thực hóa sản xuất đa canh, đa con và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, năm 2018, 20 hộ dân đã thành lập HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản Kim Tiến.
![]() |
Tranh thủ mọi thời gian, thành viên HTX Kim Tiến đan lại lưới để phục vụ cho việc thu hoạch thủy, hải sản. |
Ông Nguyễn Thế Cầu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản Kim Tiến cho biết, do HTX tập hợp được những người có ý chí, khát vọng làm giàu, có đất và nhất là có kinh nghiệm sản xuất cũng như tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật nên hiệu quả cho thấy rõ rệt…
Theo đó, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường, tìm thương lái đến bao tiêu các mặt hàng do các thành viên sản xuất ra với giá cả ổn định. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết với giá bằng hoặc cao hơn thị trường từ 1 đến 2 giá đã tạo được niềm tin của các thành viên.
Ngay năm đầu tiên đã cho thấy rõ hiệu quả sản xuất, kinh doanh nên năm sau đã thu hút thêm 10 thành viên nữa tham gia vào HTX, nâng tổng số lên 30 thành viên và hơn 40ha diện tích đất nuôi tôm, cá, gà, ngan, vịt, lợn và trồng cỏ, chuối, bưởi, ổi…
Riêng gia đình ông Cầu, ngoài 4ha nuôi tôm, cá, nuôi vịt, trên bờ trồng cỏ, còn nuôi 70 con lợn mẹ để vừa bán lợn giống, vừa nuôi lợn thịt và lấy phân ủ hoai mục, xử lý bằng vôi bột, vi sinh rồi đóng bao thả xuống ao để nuôi tôm, cá.
![]() |
Thành viên HTX Kim Tiến thăm ao nuôi cá. |
“Chỉ tính riêng tôm, tép đồng không phải mất công chăm sóc mà chỉ thu hoạch, mỗi năm gia đình tôi cũng thu được hơn 3 tấn, thu gần 300 triệu đồng”, ông Cầu cho biết.
Anh Lê Văn Vi, thành viên HTX cho biết, mặc dù sản xuất kinh doanh của các thành viên HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản Kim Tiến gặp nhiều thuận lợi, nhưng đến thời điểm hiện nay họ cũng gặp phải những khó khăn chung như thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thiếu trang thiết bị, nhất là nhà xưởng, kho lạnh để bảo quản khi giá thấp hoặc sản phẩm chưa tiêu thụ hết.
“Chúng tôi mong muốn đươc Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, chính quyền và các cấp ngành, nhất là các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm kho chứa, nhà lạnh để sơ chế, bảo quản nông sản. Có như vậy chúng tôi mới hạn chế được tình trạng “được mùa mất, giá, được giá mất mùa” hay bị tư thương ép giá”, anh Vi kiến nghị.
Phạm Duy
Bài 2: Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi lợn