Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có khoảng 30 HTX dịch vụ nông nghiệp. Sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã chủ động trong việc tìm kiếm hợp tác, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, như: HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, HTX chăn nuôi Minh Nguyệt, HTX bồ câu Ngọc Bích,... Các HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
HTX là đầu chuỗi
Năm 2015, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, xã Thúy Sơn được thành lập, chủ yếu cung cấp các dịch vụ đầu vào như vật tư nông nghiệp, phân bón, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, sản xuất và bao tiêu sản phẩm... Với mục tiêu đổi mới trong tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn, HTX luôn chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, như: ngô dày làm thức ăn chăn nuôi, lúa nếp cẩm, bí bao tử, gia cầm,... Hướng dẫn cho người dân đưa các giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, như: bầu bao tử, măng tây, rau an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó HTX, doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị. |
Bên cạnh trồng trọt, HTX cũng đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà tập trung với số lượng đàn hơn 15 nghìn con/lứa, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Happy Farm. Ngoài ra, hằng năm HTX đã cung ứng ra thị trường khoảng 21 tấn giống các loại và 216 tấn phân bón bảo đảm chất lượng tốt và đúng thời vụ.
Ông Phạm Văn Mư, người dân tộc Mường, đồng thời cũng là Giám đốc HTX Hưng Thịnh, cho biết: Sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, với quyết tâm xây dựng mô hình HTX mới, hiệu quả, tránh kiểu “bình mới rượu cũ”, HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với địa phương, mạnh dạn đầu tư máy móc, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gắn với phát triển HTX, hài hòa lợi ích giữa thành viên với lợi ích của HTX. Năm qua, doanh thu của HTX đạt khoảng 7,2 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.
Hằng năm, huyện Ngọc Lặc cũng tổ chức nhiều hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tạo điều kiện cho HTX phát triển
Để đồng bào chuyển dần từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao (CNC), chính quyền huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời hướng dẫn đồng bào ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng mời gọi nhiều chuyên gia đến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như: Israel, Nhật Bản, Thái Lan… đến hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc, xử lý đất, chọn giống…
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. |
Bên cạnh đó, các HTX đã nghiên cứu, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, sức chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất, áp dụng các công nghệ, như: tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học,... Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các loại rau, cây ăn quả; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Theo Bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Lặc, thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện đã và đang hoạt động hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, từ đó nâng cao năng suất, mang lại thu nhập cao cho người dân và các thành viên HTX. Hiện nay, doanh thu bình quân tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể đến người dân. Đồng thời, hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các quy định của Luật HTX năm 2012, tạo điều kiện trong việc hỗ trợ thành lập mới các HTX.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; ứng dụng khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân... Bên cạnh đó, tạo điều kiện về quỹ đất, kết nối với các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn, góp phần giải quyết một phần khó khăn về vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh, hỗ trợ và tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại do các ngành cấp tỉnh và địa phương tổ chức để các HTX tham gia tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thy Lê
Bài cuối: Khát vọng trở thành trung tâm nông nghiệp