Cooperatives | Thứ năm, 17/11/2022 | 06:36 GMT+7
0 |

Đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên tham gia HTX để xóa đói, giảm nghèo

Với nhiều khó khăn về điều kiện địa lý, giao thông và trình độ dân trí chưa cao do có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Thái, vì vậy tỷ lệ nghèo đói tại Điện Biên vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm, cần có các giải pháp thích hợp và đồng bộ để giải quyết. 

Có thể nói, trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, bao gồm đồng bào dân tộc Thái, khu vực kinh tế tập thể, HTX được xác định có vị trí, vai trò quan trọng.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như hộ dân liên kết. Bà con các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Thái, dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Hoa (Hán), Kháng, Mường, Cống, Xi Mun, Si La, Nùng, Phù Lá, Thổ, Tày, Sán Chay và dân tộc khác. Người Thái là một trong những dân tộc có dân số đông nhất tại tỉnh Điện Biên (khoảng 38%).

Để thống nhất trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tham mưu giúp chính quyền cụ thể hóa các chính sách giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện sản xuất, chủ động vươn lên. Cơ sở hạ tầng tại các xã và địa bàn khó khăn được cải thiện rõ rệt; bộ mặt đô thị nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi đáng kể; hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển và mở rộng…

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 39.886 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29,93%, giảm 3,12% so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm từ 47,11% (năm 2019) xuống còn 42,83% (năm 2020).

Trong năm 2021, tỉnh Điện Biên có 6.680 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).

Định hướng thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định 351/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn, bản, tổ dân phố đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm (tương đương 2.600-3.000 USD/năm). Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trên 2.280 USD/người; Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân hằng năm giảm từ 4% trở lên; trong đó: các huyện nghèo giảm bình quân từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên; có ít nhất 1 huyện nghèo và trên 31 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn…

Mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới; thu hút 3% lao động nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 31% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025).

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 Trung ương 5 khoá IV về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và sau 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX được nâng lên. Khu vực kinh tế tập thể, HTX từng bước được đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện liên kết, hỗ trợ thành viên và người dân trong sản xuất, xây dựng, phát triển HTX.

Các HTX không ngừng phát triển về số lượng, hiệu quả hoạt động với các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ cho bà con nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp xây dựng nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành viên.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 264 HTX, 470 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của 1 HTX là 745 triệu đồng/năm, của 1 tổ hợp tác là 115 triệu đồng/năm. Lãi bình quân của 1 HTX là 65 triệu đồng/năm, của 1 tổ hợp tác là 22,5 triệu đồng/năm. Tổng số thành viên của HTX là 10.335 thành viên, của tổ hợp tác là 4.045 người. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 10.335 người, của tổ hợp tác là 4.045 người. Thu nhập của 1 lao động thường xuyên trong HTX là 42 triệu đồng/năm.

Đánh giá chung cho thấy, các HTX trên địa bàn tỉnh đều thành lập trên cơ sở tự nguyện, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc hoạt động của Luật HTX với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động gọn nhẹ, phù hợp đặc điểm kinh tế ở từng vùng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Ðiện Biên, các HTX chủ yếu kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm và trồng rau an toàn; ở huyện Mường Ảng, các HTX tập trung trồng, chế biến và tiêu thụ cà phê; với huyện Mường Chà, các HTX lựa chọn chăn nuôi đại gia súc, trồng dứa... Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các HTX nông - lâm - thủy sản đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng; với các HTX xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng; lĩnh vực giao thông vận tải đạt trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2022, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu thành lập mới 22 HTX, 17 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân 1 HTX là 1.727 triệu đồng, của tổ hợp tác là 118 triệu đồng. Thu nhập của một lao động thường xuyên trong HTX là 52 triệu đồng/năm, của thành viên tổ hợp tác là 31 triệu đồng/năm.

Đại hội V Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đã đặt ra mục tiêu mới cho nhiệm kỳ 2020-2025. 

Theo đó, tỉnh phấn đấu thành lập mới bình quân mỗi năm 20 tổ hợp tác, 22 HTX, trong đó số HTX nông nghiệp chiếm khoảng 75%. Quy mô vốn của HTX bình quân đạt 2.440 triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 1.766 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 192 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và lao động thường xuyên trong HTX đạt 58 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 130 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 37 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và lao động trong tổ hợp tác đạt 29 triệu đồng/người/năm.

Trong chiến lược cơ cấu lại kinh tế và giảm nghèo bền vững của tỉnh Điện Biên, đã xác định cây mắc ca sẽ là cây chủ đạo để giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Bên cạnh mời gọi đầu tư, trải thảm cho các tập đoàn, các doanh nghiệp đến đầu tư trồng hàng nghìn ha cây mắc ca ở các huyện nghèo của tỉnh và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, đem lại sự lạc quan cho người nông dân, tỉnh Điện Biên đã có một quyết định được cho là đúng đắn, đó là ưu tiên sự phát triển của các HTX mắc ca. Có như vậy người nông dân và các hộ gia đình mới thực sự bảo đảm quyền lợi và tạo cơ hội phát triển lâu dài, hướng đến xoá nghèo bền vững, đồng thời phát triển các HTX mắc ca cũng là chiến lược trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn của tỉnh Điện Biên.

Thời gian qua Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về thành lập các HTX mắc ca nhằm thúc đẩy phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Theo Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với trách nhiệm được giao là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX; thường xuyên phân công cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động và tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác mới. Trong đó, chú trọng ở địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca.

Một ví dụ điển hình là ở huyện Tuần Giáo. Theo Đề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca.

Tháng 11/2021, UBND huyện Tuần Giáo ban hành kế hoạch phát triển thí điểm HTX mắc ca giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn.

HTX mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ theo mô hình 3 bên, gồm “Hộ nông dân - HTX - Nhà đầu tư”. Trong đó, huyện chủ trương phát triển loại cây mới thông qua hợp đồng kinh tế giữa HTX và nhà đầu tư, với vai trò trung tâm của chuỗi liên kết thuộc về nhà đầu tư, còn HTX là đầu mối đại diện của hộ dân tham gia liên kết. Đồng thời, UBND huyện khảo sát, lựa chọn thí điểm thành lập 2 HTX mắc ca liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 2 xã Quài Cang, Quài Nưa.

Lãnh đạo UBND huyện xác định, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX ở địa bàn quy hoạch trồng mắc ca nói riêng, và các HTX nông nghiệp nói chung là nhiệm vụ cốt lõi. Qua đó, các hộ nông dân sẽ hiểu rõ hơn về Luật HTX năm 2012, bản chất mô hình HTX kiểu mới, cũng như các giá trị và 7 nguyên tắc HTX trong phát triển nông nghiệp nói chung, cây mắc ca nói riêng.

Theo đó, HTX Dịch vụ mắc ca Quài Nưa được thành lập vào cuối năm 2021 với 9 thành viên và 293 hộ, đa số là hộ dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hộ dân tộc Thái tham gia với diện tích khoảng 200ha, trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng. Việc thành lập HTX mắc ca phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca đảm bảo tiến độ đầu tư; xây dựng mô hình liên kết bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân khi tham gia HTX (về thu nhập, đời sống, việc làm ổn định); nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi tham gia người dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua cây giống và các vật tư thiết yếu theo quy định (mức hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu; hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/hộ gia đình tham gia dự án).

Tới cuối năm 2021, 47ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa thuộc dự án liên kết với Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên đã bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động mỗi năm để tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Từ hiệu quả đem lại, thời gian tới, xã Quài Nưa sẽ tiếp tục tuyên truyền cho nông dân trong xã nhân rộng trồng cây mắc ca, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người Thái nơi đây xóa đói, giảm nghèo làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Có thể khẳng định, cùng với nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng có hiệu quả, các HTX nông nghiệp cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để phát triển theo chiều sâu.

Đặc biệt, HTX đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa, hiện đại hóa và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như trồng rau sạch, cây ăn quả, chăn nuôi... gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế và dần xóa bỏ cung cách làm ăn riêng lẻ, tự cung, tự cấp; HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn thành viên và nông dân với mức thu nhập ngày càng cao. HTX cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thu nhập cho người dân (thành viên HTX), cung cấp các mặt hàng có tính thiết yếu cho phần lớn các thành viên (các mặt hàng có nhu cầu thường xuyên và tương đối ổn định như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

Hiện, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh: Gạo, dứa, rau củ quả, miến dong, cá tầm, gia súc, gia cầm.

Một điển hình trong số đó là HTX Công nghệ cao Bản Mé tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Không chỉ thể hiện vai trò rõ nét trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mà HTX còn giúp người dân nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn.

Thành lập năm 2017, HTX Công nghệ cao Bản Mé có vốn điều lệ trên 13 tỷ đồng với 68 thành viên. Ngay từ khi được thành lập, HTX đã xác định những ưu thế trong sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ. Với diện tích 3.500 m2, HTX đã tập trung trồng các loại cây như cà chua Beef, cà chua Chocolate, dưa leo Baby…

Theo lãnh đạo HTX, nếu như trước đây, việc sản xuất hoàn toàn thủ công, thì khi ứng dụng trồng cà chua Beef trong nhà màng phải nắm được và áp dụng hiệu quả các kiến thức về công nghệ sinh học, công nghệ điều khiển cây trồng, công nghệ tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cây trồng.

Cây cà chua Beef được trồng trong bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh. Hệ thống nước tưới của HTX hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà có chế độ tưới phù hợp, trung bình từ 6 lần đến 12 lần/ngày. Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn.

Việc sản xuất trong nhà kính giúp nâng cao được năng suất cây trồng gấp 15 lần so với bình thường và có thể trồng cà chua quanh năm với thời gian cho thu hoạch ngắn.

Cà chua Beef là nông sản có giá trị kinh tế cao, ở điều kiện chăm sóc tốt, sau 2 tháng xuống giống thì cây bắt đầu cho thu hoạch. Trong trường hợp chăm bón khoa học, đảm bảo đủ chất và tầm soát tốt dịch bệnh, cà chua có thể cho thu hoạch liên tục trong 3 - 5 tháng. Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất nên cà chua của HTX Công nghệ cao Bản Mé đạt năng suất cao, trung bình, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 10kg quả.

Nhờ liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm cà chua của HTX được doanh nghiệp bao tiêu, không thông qua thương lái nên tránh được tình trạng bị ép giá, giúp tăng lợi nhuận cho HTX và các thành viên. Qua đó, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên, bảo đảm chất lượng hàng hóa an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dạy nghề… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tính đến ngày 31/3/2022, toàn tỉnh Điện Biên có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc 9/10 huyện, thị xã và thành phố (trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao) của 28 chủ thể (15 HTX, 7 doanh nghiệp và 6 cơ sở sản xuất). Từ đó tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Thái, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Để kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP bền vững Điện Biên đã có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các huyện, thị, thành phố hỗ trợ các chủ thể xây dựng dự án (hỗ trợ về mở rộng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm…) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai, hỗ trợ. Cân đối nguồn kinh phí địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án và nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bền vững phù hợp với địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát đưa Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" trở thành Chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm/dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.

Một ví dụ điển hình trong việc tham gia chương trình OCOP của tỉnh Điện Biên là HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Theo đó, HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên được thành lập vào tháng 1/2015 với 9 thành viên và hàng chục lao động thường xuyên, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều lao động dân tộc Thái.

Ra đời với mục tiêu nâng cao chất lượng lúa gạo trên địa bàn tỉnh và tăng thu nhập cho các thành viên, người lao động, HTX đã liên kết với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Ðiện Biên chất lượng cao.

HTX hướng dẫn người dân cách xử lý đất đai trước khi gieo trồng theo đúng kỹ thuật. Sau đó, HTX sẽ phân vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện đất và nước ở từng khu vực và tiến hành cấp giống. Người dân đăng ký tham gia sản xuất theo mô hình HTX phải sử dụng giống lúa do HTX cung cấp, tuyệt đối không dùng giống ngoài.

Các bước gieo trồng và chăm sóc tiếp theo, HTX sẽ hỗ trợ người dân về mặt kiến thức, sau đó người nông dân sẽ tự mình triển khai; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ do HTX cung cấp.

Khi lúa chín, HTX sẽ đưa máy móc tới thu hoạch và cân mua thóc của người dân ngay tại cánh đồng. Toàn bộ các bước sản xuất tiếp theo được thực hiện tại nhà máy chế biến của HTX. Nhờ vậy, HTX kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng trên từng hạt gạo.

Sau một thời gian sản xuất thí điểm với hiệu quả tốt, cùng với đó là công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp, HTX đã được nhiều hộ nông dân trong vùng tín nhiệm và liên kết sản xuất theo quy trình HTX đề ra.

Sau mỗi vụ lúa, lại có thêm nhiều hộ nông dân đăng ký tham gia sản xuất cho HTX vì năng suất cao hơn do sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với đó là những hỗ trợ đặc biệt của HTX dành cho những thành viên tham gia sản xuất theo mô hình của mình.

Tính đến năm 2020, đã có 230 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Mảng với 150ha ruộng tham gia sản xuất theo mô hình của HTX. Đây đều là những hộ nông dân có nhiều ruộng nhất trong vùng, sản lượng mỗi vụ đạt trên 400 tấn.

HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo nguyên tắc “3 không”. Quá trình chăm sóc lúa không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do nông dân làm ra như: Gừng, tỏi, ớt lên men để diệt sâu bọ; dùng thân cây chuối, cây khoai lên men làm phân bón hữu cơ và các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng để bón cho cây lúa…

Đến nay, HTX có 3 sản phẩm gạo gồm Tâm Sáng - Séng cù, Tâm Sáng - Tám thơm và gạo lứt Séng cù được UBND tỉnh Điện Biên cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2017, HTX triển khai thực hiện thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô 31ha. Ðể nông dân yên tâm tham gia liên kết, HTX hỗ trợ bà con 100% giống, vật tư; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định, luôn cao hơn giá thị trường…

Mạnh dạn áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, HTX Thanh Yên đã xây dựng được chuỗi sản phẩm có uy tín và chất lượng cao, với nhiều chủng loại gạo khác nhau an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng lợi nhuận cho các thành viên, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Ðiện Biên, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, trong đó có người Thái trên địa bàn với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của người dân.

Lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 18,26% trên tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đối với kết quả thực hiện Đề án 29 xã biên giới, đến nay, đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,71% so với mục tiêu đề ra.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.

Mục tiêu tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 10% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu); 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên xác định, tập trung ưu tiên chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, chi tiết, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản địa bàn vùng gian khó để từng bước hoàn thành tiêu chí NTM, giảm nghèo bền vững và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Tỉnh ủy Điện Biên cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 29/7/2021 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông lâm nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết và ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Đây được xem là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển, bền vững.

Ngày 29/6/2022, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Kế hoạch số 1986/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025, có 2 đơn vị cấp huyện (thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Điện Biên đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (trong đó, có 32 xã đạ chuẩn NTM và 44 xã cơ bản đạt chuẩn NTM); không có xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã; có 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và thôn bản NTM kiểu mẫu, chiếm 50,9% tổng số thôn bản trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 26,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 22,0%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65% trở lên...

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vị trí quan trọng để có thể hoàn thành được tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) và 3 tiêu chí còn lại trong nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10 - thu nhập; tiêu chí số 11 - nghèo đa chiều; tiêu chí số 12 - lao động).

Một ví dụ điển hình về HTX trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên là HTX chăn nuôi Mường Mùn (bản Lúm, xã Mường Mùn, Tuần Giáo). HTX mới thành lập (năm 2018) nhưng sản xuất kinh doanh chủ yếu những mặt hàng còn thiếu trên địa bàn, tự sản xuất và tự nhân giống với giá trị dinh dưỡng cao trên thị trường chưa có nhiều. Đặc biệt, các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.

Do có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX. Đến nay, sản phẩm gà chân đen của HTX chăn nuôi Mường Mùn không chỉ được người dân ở Tuần Giáo đón nhận mà còn vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu.

Đại diện HTX thông tin, xác định phương châm HTX là gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, HTX đã tích cực đổi mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vận động các thành viên trong HTX cũng như bà con trên địa bàn tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, đồng thời ủng hộ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia HTX.

Nhờ vậy, doanh thu HTX liên tục tăng từng năm, nâng cao thu nhập bình quân các thành viên, giải quyết việc làm cho người lao động ở bản vùng cao, cũng như góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đức Nguyễn
 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu