![]() |
Chăn nuôi gia cầm
Nghịch lý này khiến ngành chăn nuôi gia cầm đang thậtsự bế tắc vì chưa tìm được phương án giải quyết. Trong khi đó, người chăn nuôi muốn phá đàn, cắt lỗ cũng khó vì không có ai mua.
Trứng, thịt gia cầm rẻ chưa từng thấy
Theo một số chủ trang trại, hơn một tháng nay, giá trứng và thịt gia cầm giảm sâu. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 26.000 đồng/kg, giá trứng gà trung bình chỉ còn 1,100 đồng/quả. Với mức giá bán này người chăn nuôi đang lỗ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg gà bán ra và khoảng 600 đồng trên mỗi quả trứng gà.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Ngưu, chủ trang trại nuôi vịt tại Đông Anh – Hà Nội cho biết, nhà anh nuôi 3.000 con vịt đẻ mỗi ngày, cho sản lượng trứng 2.600 quả, sau Tết nguyên đán đến nay, giá trứng vịt liên tục giảm. Đến hết tháng 4/2017 giá trứng giảm 900 đồng/quả. Nhưng đến thời điểm này (22/5) giá trứng bán buôn cho tiểu thương tại nhà chỉ còn 1,100 đồng/quả.
“Hiện tại, trứng bán buôn giảm 1,100 đồng/quả so với thời điểm đầu năm. Dù đã dùng đủ mọi cách để giảm giá thành như mua nguyên liệu về tự trộn thức ăn chăn nuôi, giảm lượng cho vịt ăn nhưng tính ra, mỗi quả trứng bán ra, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ chi phí chuồng trại, lương công nhân”, anh Ngưu nói.
Với những người chăn nuôi vịt lấy thịt cũng đang khóc ròng vì giá bán “rẻ chưa từng có”, chị Thu Hải (Văn Giang – Hưng yên) cho biết, gia đình chị nuôi gần 1000 con vịt đã thời kỳ xuất chuồng nhưng lượng tiêu thụ rất chậm, nên chị phải mang ra chợ bán lẻ với giá 100 nghìn đồng/con/4 kg.
Chị Hải cho rằng, hiện nay, cả nước đang giải cứu lợn, các bếp ăn công nghiệp chủ yếu mua thịt lợn do giá rẻ nên thịt gia cầm bán chậm. Với tình trạng này, lứa vịt này gia đình tôi lỗ 5 triệu đồng”.
Chị Lê Thị Ngọc, chủ kinh doanh thịt gia cầm tại chợ Xanh (Linh Đàm – Hà Nội) cho biết, lượng tiêu thụ gà công nghiệp gần 2 tháng nay giảm mạnh. Gà loại ngon chị Ngọc phải nhập vào với giá 27 nghìn/kg giảm một nửa so với trước đây, nhưng ccũng chỉ dám lấy số lượng rất ít do sức tiêu thụ chậm.
Theo chị Ngọc, thời điểm mùa hè, mặt hàng trứng và các loại thịt gia cầm, đặc biệt là thịt gà công nghiệp cũng rơi vào tình trạng giá giảm và bị ùn đọng hàng nhưng không đến mức giá rẻ và khó tiêu thụ như năm nay. “Mỗi khi vào hè, học sinh nghỉ học nên lượng thịt, trứng gia cầm tiêu thụ sẽ giảm, tuy nhiên mức giảm mọi năm chỉ chỉ giao động từ 1000-2000/quả trứng và 10.000 – 15.000kg/thịt gà”, chị Ngọc cho hay.
Hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm đều cho biết, hiện nay nguồn cung dư thừa lớn, nếu trong thời gian tới, giá trứng và thịt gia cầm không có chiều hướng nhích lên, buộc các hộ chăn nuôi phải bán phá đàn do không thể cầm cự nuôi tiếp được. Tuy nhiên, các chủ trang trại cho hay, họ muốn bán cả đàn để cắt lỗ cũng không dễ dàng vì thương lái chỉ mua nhỏ giọt mỗi lần một vài trăm con.
Giá rẻ vì đâu?
Trong khi người chăn nuôi đang lao đao vì giá bán thịt và trứng gia cầm qúa rẻ, lỗ nặng thì gà nhập ngoại tràn ngập trong các siêu thị với giá rẻ mạt đã lấy một lượng khách hàng khá lớn là các bà nội chợ.
Thậm chí, ở các nước khác cổ, cánh và chân gà thường không được người tiêu dùng sử dụng, nhưng lại được tuồn vào thị trường trong nước và trở thành đặc sản ở các quán nhậu, bếp ăn công nghiệp, quán cơm bình dân hay chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh.
Trong khi đó, các sản phẩm trong nước được sản xuất với quy trình tươi ngon, đảm bảo chất lượng, có giá thành đắt hơn một chút nên đã không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, ngành chăn nuôi gia cầm hoàn toàn có thể đứng vững ở thị trường trong nước nếu như cơ quan quản lý siết chặt hàng rào kỹ nhập khẩu thịt gia cầm. Điều tra làm rõ có hay không việc bán phá giá thịt gia cầm và xây dựng hàng rào kỹ thuật như thế nào để hàng nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.
Như vậy vừa bảo vệ được người tiêu dùng, và cũng bảo vệ được sự công bằng cho ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuoi gia cầm Đông Nam Bộ thẳng thắn đặt câu hỏi: “Trong khi gà Việt Nam trầy trật trong xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài vì vướng hàng rào kỹ thuật thì nhiều mặt hàng đã cận đát, chất lượng kém lại ào ạt tuồn vào thị trường trong nước mà không gặp bất cứ một cản trở nào”.
Tại sao nghịch lý này vẫn tồn tại suốt thời gian qua và đang “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước?
Trước câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Trọng – Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNN) cho hay, Cục sẽ có ý kiến với các cơ đơn vị quản lý nhập khẩu để kiểm tra về vấn đề chất lượng sản phẩm các mặt hàng thịt gia cầm, trong đó bao gồm cả việc có hay không nhập sản phẩm đùi, cổ, cánh gà sắp hết hạn sử dụng, kém chất lượng.
Thanh Hoa