Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng ban pháp chế tập đoàn TKV, cho biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chính thức đồng ý với Kết luận thanh tra và TTCP cũng chưa tổ chức công bố Kết luận thanh tra tại tập đoàn.
Sai phạm không đến 15.000 tỷ đồng
Theo Kết luận của TTCP, tổng số tiền qua thanh tra phát hiện có sai phạm, cần kiến nghị xử lý lên tới trên 14.882,4 tỷ đồng…Về nội dung này, bà Đặng Thị Tuyết cho biết cần phải khẳng định rõ ràng là TKV không có sai phạm với số tiền lớn lên đến 15.000 tỷ đồng.
Số tiền 14.882,409 tỷ đồng TTCP nêu trong Kết luận là “cần kiến nghị xử lý”, chưa kết luận là “sai phạm” đối với toàn bộ số tiền này. Trong số 14.882,409 tỷ đồng có nhiều khoản, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao cho các bộ, ngành và TKV chủ trì xử lý.
Trong đó, chuyển Bộ Công Thương chủ trì xử lý 8.320,851 tỷ đồng, gồm: Thứ nhất, lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty Điện lực TKV chưa được tính trong giá bán điện theo Thông tư số 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công Thương: 3.311,611 tỷ đồng, TTCP có ý kiến là đúng. Hiện nay, TKV vẫn chưa được xử lý, dẫn đến phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tại Tổng công ty.
Thứ hai, tính toán khối lượng đất đá vận chuyển trong khai thác lộ thiên TKV 4.597,58 tỷ đồng: TKV thực hiện theo quy định chuyên ngành khai thác mỏ lộ thiên, trong khi TTCP lại tính theo một cách khác, không thống nhất về phương pháp tính toán (một chỉ tiêu theo quy định ngành mỏ, một chỉ tiêu lấy theo ngành xây dựng).
Thứ ba, chênh lệch khối lượng nghiệm thu vận chuyển đất đá giữa phương pháp của TTCP tính theo tải trọng đăng kiểm và phương pháp nghiệm thu theo đo đạc trắc địa của TKV: 347,622 tỷ đồng.
Thứ tư, tính lại số trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi của Tổng công ty Khoáng sản: 64,041 tỷ đồng.
Về các nội dung này, Bộ Công Thương đã có các Công văn số 485/BCT-TCNL ngày 14/6/2017 và số 601/BCT-TCNL ngày 17/7/2017 gửi TTCP thống nhất cách xác định của TKV là có cơ sở.
![]() |
Đối với các nội dung chưa đồng thuận trong Kết luận thanh tra, TKV có Công văn số 5376A/TKV-KTTC ngày 14/11/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo TTCP điều chỉnh Kết luận thanh tra theo đúng quy định.
Nỗ lực thu hồi vốn
Liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, Kết luận thanh tra cho biết, đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ngoài của công ty mẹ vào khoảng 13.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động này của TKV có rất nhiều khoản đầu tư lỗ, nguy cơ mất vốn.
Cụ thể, công ty liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ gần 300 tỷ đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên gần 25 tỷ đồng, xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền. TKV cũng góp 870 tỷ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.
Khoản đầu tư của TKV vào công ty CP Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã góp vốn, giải ngân xấp xỉ 437 tỷ đồng để đầu tư 2 dự án nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2014 dẫn đến toàn bộ vốn đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế từ 2012 – 2015 vào khoảng 113 tỷ đồng.
Một số khoản đầu tư tại Lào, Campuchia do không được điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định, dẫn đến lỗ, mất vốn 380 tỷ đồng tại các dự án công ty liên doanh Stung Trenng, công ty liên doanh Alumia (Campuchia), công ty TNHH Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)…
Trong đó, điển hình là việc TKV đầu tư vào công ty Southern Mining Co., Ltd gần 4,4 triệu USD (khoảng gần 78 tỷ đồng), đến thời điểm thanh tra không hiệu quả, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư…
Về khả năng thu hồi vốn, bà Đặng Thị Tuyết cho biết đối với công ty CP Xi măng Hữu Nghị: TKV đã có đơn khởi kiện ra TAND Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tòa án đã có Quyết định về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự, theo đó công ty CP Xi măng Hữu Nghị phải thanh toán toàn bộ công nợ cho TKV.
Đối với công ty CP Xi măng Hà Giang: Công ty này đã ký Biên bản đối chiếu công nợ và có các Văn bản gửi TKV đề xuất phương án trả nợ từ quý I/2017 và kết thúc chậm nhất sau 36 tháng.
Đối với các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia: TKV thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ và chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Lào, Campuchia. Dự án Bauxit Campuchia có đối tác nhận chuyển nhượng nhưng chưa được Chính phủ chấp thuận do vấn đề quốc phòng, an ninh.
Tại Văn bản số 2618/VPCP-V.I ngày 30/8/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: TTCP cần đánh giá trong điều kiện TKV phải thực hiện chủ trương của Chính phủ và xem xét đến các yếu tố khách quan, rủi ro trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò khoáng sản để kết luận.
Về việc đầu tư, thành lập công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa: Cục điều tra C48, Công an tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Bộ Công Thương đã thanh, kiểm tra và đã có kết luận. Dự án chưa có hiệu quả do phải dừng từ năm 2012. Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho công ty hoàn thiện thủ tục để cấp phép khai thác mỏ và thực hiện khai thác, chế biến sâu quặng Cromit, các tài sản đã đầu tư sẽ được sử dụng và phát huy hiệu quả.
Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên phải trả nợ Eximbank Thái Lan theo cam kết bảo lãnh: Vụ việc đang được Toà án Thái Lan và Việt Nam xử lý theo quy định pháp luật.
Về vốn đầu tư tại công ty CP Vận tải thủy: Từ năm 2015 đến nay, công ty đã có lãi và đã trả hết nợ vay tập đoàn. TKV cũng đã lựa chọn được nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần của TKV với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP.
Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 12187/VPCP-ĐMDN ngày 15/11/2017 chỉ đạo Bộ Công Thương hướng dẫn TKV thực hiện.
Về việc nghiệm thu khối lượng vận chuyển đất đá thuê ngoài: Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi TTCP thống nhất việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển của TKV là có cơ sở.
P.L