Liên quan đến tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH thời gian qua, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, quyền về an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản, BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển đối tượng, thu nợ đóng, trốn đóng BHXH. Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Tình trạng nợ đóng BHXH tăng lên cho thấy tính cấp bách của nó càng ngày càng phức tạp
Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH.
Về nợ đóng BHXH, tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016 số nợ BHXH có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý I/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.
"Tình hình nợ đọng BHXH tương đối phức tạp, số nợ hằng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng", ông Ánh nhận định.
Đáng chú ý, theo ông Đào Việt Ánh, hiện nay nợ đóng BHXH diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia BHXH.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, nợ đọng BHXH tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I/2017, có nhiều doanh nghiệp phải tham gia, nợ BHXH tương đối dài. Đơn cử như Công ty CP xe khách Phương Trang (TP HCM) nợ 28 tỷ đồng, Cty TNHH Nam Phương (TP HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng… Trong số nợ đóng BHXH có 1.400 tỷ đồng là nợ BHXH kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 1.900 lao động tham gia BHXH.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá, qua con số này tình trạng nợ đóng BHXH tăng lên cho thấy tính cấp bách của nó càng ngày càng phức tạp.
"Rõ ràng chính sách của chúng ta là chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, người lao động và chủ sử dụng lao động cũng hiểu việc đóng BHXH không những là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động. Năm 2016 nợ đóng có xu hướng giảm đi, đầu năm 2017 tăng lên 14.000 tỷ đồng với gần 5% tổng số phải thu BHXH. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải tăng cường giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ BHXH trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ BHXH tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng", ông Lợi nhận định.
Lê Thuý