Tuy nhiên, nhiều DN phàn nàn về việc trả cho chi phí số hiện nay còn quá cao, chưa kể các rủi ro khác. Điều đó sẽ khiến cho chi phí khi DN sử dụng HĐĐT không những không giảm mà còn tăng hơn so với sử dụng hóa đơn giấy.
Mỗi năm, 4 tỷ hóa đơn giấy
Dự kiến từ ngày 1/1/2018, DN mới thành lập và DN đang mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ phải chuyển sang sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Còn những DN đang sử dụng hóa đơn đặt in và tự in sẽ chuyển đổi dần theo lộ trình.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết số DN chuyển sang sử dụng HĐĐT ngày càng tăng do những lợi ích rất lớn cho DN và cả ngành thuế. Theo đó, ngành thuế sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý trong các khâu như phải cử người đi xác minh hóa đơn, dễ dàng phát hiện dấu hiệu DN có gian lận về thuế.
Đối với DN, lợi ích là giảm rủi ro về hóa đơn giả, không phải lưu trữ hóa đơn từ cách đây nhiều năm và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được, cùng các chi phí tiết kiệm được khi không phải in hóa đơn giấy. Theo thống kê, hiện nay chúng ta phải in 4 tỷ hóa đơn giấy mỗi năm.
“Con số khủng khiếp này đã tiêu tốn quá nhiều tài nguyên gỗ, nước. Nếu chuyển sang HĐĐT sẽ giảm thiểu được phần nào nạn phá rừng, từ đó tạo chuyển động tốt sang cả những ngành khác”, ông Tuấn nói.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 6/2017, có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận, tăng hơn 30% so với cuối năm 2016 (khoảng 800 DN sử dụng HĐĐT trong năm 2016). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, so với số lượng 612.000 DN đang hoạt động, con số nêu trên còn quá nhỏ bé.
Lý giải nguyên nhân, ông Tuấn nói, việc sử dụng hóa đơn giấy tạo ra nhiều kẽ hở, nhiều DN đã “lách” thuế bằng cách không kê khai đầy đủ để hưởng lợi từ sự không minh bạch đó. Trong khi đó, HĐĐT hạn chế tối đa được những bất cập trên, cho nên những DN “ngại” minh bạch sẽ không muốn sử dụng.
![]() |
Bỏ hóa đơn giấy có thể cắt giảm cho DN khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng những chi phí khác từ HĐĐT cộng lại sẽ cao hơn gấp vài lần con số đó.
Tưởng giảm hóa tăng
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía DN, quá trình sử dụng HĐĐT cũng đang phát sinh nhiều bất cập cho DN.
Chẳng hạn, ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Minh Châu, có trụ sở ở Hưng Yên, cho biết, khi Bộ Tài chính mới thí điểm triển khai loại hóa đơn này, DN cũng đã tham gia. Nhưng hơn một năm qua, DN phải dùng lại hóa đơn giấy. Lý do là chưa có kết nối đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, dẫn đến xảy ra tình huống khi DN kê khai thuế bị nghẽn mạng.
Hay có những lúc DN đang vận chuyển hàng trên đường, cơ quan chức năng yêu cầu xuất hóa đơn kiểm tra khiến DN phải làm thủ tục xác nhận rồi phô-tô lại hóa đơn chứng từ, rất mất thời gian. Đồng thời quá trình áp dụng cũng phát sinh số tiền không nhỏ cho HĐĐT có mã xác thực.
Hiện nay, cơ quan thuế đề xuất mức phí lên 300 đồng/hóa đơn khi xác thực. Đối với những DN sử dụng nhiều hóa đơn có mã xác thực như ngân hàng, mỗi năm có thể mất thêm hàng trăm triệu đồng tiền phí.
Theo tính toán, hiện chi phí một tờ hóa đơn khoảng 100 đồng, nếu in ba liên hóa đơn mới mất 300 đồng nhưng DN không bị buộc phải in hết 3 liên mà có thể tự quyết định số liên muốn in.
Trong khi đó, xác thực một tờ hóa đơn hết 300 đồng, xác thực xong, DN vẫn phải in ra hóa đơn. Như vậy, chẳng những không tiết kiệm mà còn làm cho DN tăng thêm chi phí.
Đối với những DN doanh thu ít, quy mô siêu nhỏ, việc trả chi phí cao hằng năm từ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ HĐĐT chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng chi phí.
Đó là chưa kể các rủi ro khác như: DN đã đăng ký với một nhà cung cấp chữ ký số nhưng 2 – 3 năm sau, nhà cung cấp chữ ký số này giải thể khiến DN tốn kém rất nhiều, gây thiệt hại cho DN.
“Bỏ hóa đơn giấy có thể cắt giảm cho DN khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng những chi phí khác từ HĐĐT cộng lại sẽ cao hơn gấp vài lần con số đó”, một DN cho biết.
Ông Tuấn đề xuất, các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến HĐĐT cần áp dụng công nghệ tốt nhất nhưng không độc quyền mà nên có sự cạnh tranh lành mạnh để cung cấp cho DN dịch vụ tốt, chi phí hợp lý.
“Phần lớn DN ở Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu hàng năm không cao, nên những chi phí phải bỏ ra sẽ là gánh nặng với họ”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ những băn khoăn của các DN, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng ban soạn thảo hướng dẫn sử dụng HĐĐT cũng đang có những điều chỉnh.
Chẳng hạn, xem xét lại việc kiểm tra hàng hóa của DN khi đang lưu thông trên đường, đề nghị các cơ quan chức năng sử dụng giải pháp công nghệ để tra cứu, truy xuất, kiểm tra hàng hóa trên đường.
Đồng thời, tìm cách để phục hồi HĐĐT ra giấy trong những trường hợp đặc biệt, nhằm phục vụ kiểm tra và hóa đơn khi được phục hồi ra giấy sẽ có những dấu hiệu nhận biết để biết rằng hóa đơn này được phục hồi từ HĐĐT.
Thanh Hoa