Cuối tháng 1 vừa qua, sau một thời gian dài học sinh, sinh viên học online, Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Công văn số 283/ BGDĐT-GDTC về việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp và được triển khai nhanh đối với tất cả bậc học, đặc biệt là bậc đại học. Sau Tết nguyên đán, một số trường mở cửa đón học sinh, sinh viên trở lại, nhưng chỉ được một tuần thì phải đóng cửa, tiếp tục chọn chế độ học online vì số ca mắc Covid-19 ở nhà trường tăng nhanh...
“Chóng mặt” với thay đổi hình thức học
Vũ Phương Hiền – sinh viên năm cuối Học viện báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: Tính ra sinh viên năm cuối như em chỉ được đến trường học cùng các bạn 2 năm đầu, 2 năm sau do dịch Covid-19 phải chuyển sang học online. Đến giờ, dù đã là sinh viên năm cuối sắp ra trường rồi mà vẫn chưa được đến trường nhiều, thành ra việc tương tác với bạn bè, thầy cô bị hạn chế, ngay cả việc đi thực tập tại các công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, bạn Nguyễn Văn Hưng - sinh viên năm thứ hai Đại học giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ, nhà trường thông báo ngày 14/2/ tất cả sinh viên sẽ bắt đầu học kỳ bình thường mới tại trường. Em vội vàng từ quê xuống tìm nhà trọ đặt cọc 2 triệu, sau đó đến trường học được 2 ngày em lại nhận được thông báo mới của nhà trường chuyển từ học offline sang học online do số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hà Nội không ngừng tăng mạnh và đã vượt mốc 10.000 ca/ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục nên mạnh dạn tiếp tục cho học sinh đến trường học thay vì liên tục thay đổi kế hoạch đến trường của học sinh và giáo viên. |
Một trường hợp khác, Khánh Linh - học sinh lớp 10 trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc) cho biết, bản thân em là F0 phải điều trị ở nhà 2 tuần và học online. Đến khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly, ngày đầu tiên em quay lại lớp học được nửa buổi thì cô giáo cho cả lớp về tiếp tục học online vì trong lớp có bạn mới bị F0.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, một số trường học trên địa bàn Hà Nội mặc dù đã đón học sinh quay trở lại được 1 - 2 tuần nhưng phải điều chỉnh kế hoạch dạy và học theo hình thức online vì số ca mắc F0 là giáo viên và học sinh trong nhà trường liên tục tăng. Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra công văn 468/SGDT-CTTT-KHCN về việc điều chỉnh hình thức dạy học tại các trường để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch Covid-19.
Theo công văn này, học sinh các khối lớp 1,2,3,4,5,6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái học trực tiếp tại trường sang hình thức học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Đối với học sinh các khối lớp 7,8,9,10,11,12 của các trường trung học cơ sở trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục triển khai học trực tiếp.
Mặc dù vậy, tình trạng học tập không ổn định, "nay online, mai offline" đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả học tập và sự ổn định của các trường.
Nhiều hệ lụy
Tính từ năm 2021 đến nay, Bộ giáo dục và đào tạo đã phải ra gần chục Công văn về việc điều chỉnh việc đến trường của học sinh các cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, riêng tại Hà Nội trong tháng 02/2022 Sở GD&ĐT Hà Nội đã phải ra 2 công văn số 402 và 468 về việc điều chỉnh hình thức dạy học tại các trường để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cứ tình trạng này đến khi nào giáo viên, học sinh và phụ huynh không còn phải bị động trong việc dạy học và đến trường của con em mình, nhất là với sinh viên tỉnh lẻ việc tìm nhà trọ phù hợp trong "mùa Covid" gặp khá nhiều vấn đề bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục nên mạnh dạn tiếp tục cho học sinh đến trường học thay vì liên tục thay đổi kế hoạch đến trường của học sinh và giáo viên.
PGS.TS Phạm Kim Chung - Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN nhấn mạnh, dạy học trực tiếp là cơ hội để sinh viên được học một cách toàn diện. Và vai trò của thầy cô trong giai đoạn này càng được đẩy mạnh hơn, bởi thầy cô sẽ là người truyền cảm hứng, tạo động lực hứng khởi cho sinh viên, giúp sinh viên cảm thấy được an toàn khi đến trường học trực tiếp trong mùa dịch.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN cho biết, việc học sinh và giáo viên học và làm việc qua online thời gian qua đã gặp nhiều vấn đề như: mất tập trung, bị phân tán bởi việc nhà, không có sự hứng thú trong việc học và dễ bị tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý... Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%, đây là một con số đáng báo động.
"Cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta sợ hãi hơn. Hãy giúp các bạn phân biệt được nguy cơ với xác suất xảy ra. Vì vậy, nhà trường cần luôn đồng hành cùng các bạn để bảo vệ bản thân chính mình an toàn khi trở lại trường trong trạng thái bình thường mới", ông Nam nói.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết: Trẻ nhỏ nếu được tiêm vắc xin rồi, khi đi học trong tình huống nào đó nếu mắc Covid-19 thì triệu chứng sẽ không trở nặng. Tổng hợp 16 nghiên cứu cho thấy, với trẻ tiêm vắc xin rồi thì tỷ lệ triệu chứng nặng kiểm soát rất tốt, với các triệu chứng nhẹ thì không quá đáng ngại.
Ở một khía cạnh khác đáng mừng là độ phủ vắc xin ở nước ta đang cao lên. Theo cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 thì tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Riêng với lứa tuổi từ 12 đến 17 cũng đã được tiêm phòng, tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 89,2% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 67,0% dân số. Do vậy, triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 ở lứa tuổi này chiếm tỷ lệ thấp.
Nguyễn Quế