Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc đấu giá cổ phần của công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PV-SSG) do Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) sở hữu.
Lùm xùm dự án Mỹ Đình Pearl
Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) tiền thân là công ty Cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Nhà ở Dầu khí (SSG).
PV-SSG được thành lập năm 2010 trên cơ sở hợp tác giữa PVN và Tập đoàn SSG, với năm cổ đông sáng lập và vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Các cổ đông của PV-SSG bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 6%, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm 25%, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) chiếm 10%, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) chiếm 10%.
Công ty cổ phần Tập đoàn SSG – một doanh nghiệp khá nổi trong các doanh nghiệp bất động sản phía Nam – chiếm 49% cổ phần của “liên minh” nhiều tên tuổi nổi tiếng liên quan tới ngành dầu khí này.
Về mục đích, PV-SSG được lập ra để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam tiêu chuẩn 5 sao, sau dự án này được đổi tên thành Mỹ Đình Pearl có vị trí tại lô đất X3 (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội).
Theo giới thiệu, dự án có quy mô 3,8ha nằm trong quần thể khu công viên diện tích 25ha thuộc khu công viên văn hóa thể thao Mễ Trì gồm: hai khối căn hộ cao cấp với 666 căn hộ từ 2 đến 4 phòng ngủ; 1 khối khách sạn với hơn 500 phòng tiêu chuẩn 5 sao và 1 khối văn phòng hạng A 24 tầng với hai mặt giáp với Đại lộ Thăng Long và tuyến đường Phú Đô.
Sau 7 năm thành lập, PV-SSG hiện đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, trong đó SSG nắm giữ 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm 81,2%, các cổ đông họ dầu khí là PVN, PVC, PVI đều thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Tuy nhiên, ngoài thay đổi về vốn điều lệ, dự án của PV-SSG bị trì trệ và “vấp” không ít vấn đề về pháp lý.
Chẳng hạn, theo Quyết định số 8999/SXD-QLCP ngày 6/11/2014, Sở Xây dựng Hà Nội cho phép PV-SSG được xây dựng công trình tạm nhằm phục vụ thi công công trình chính. Nhưng mới đây, PV-SSG đã chính thức giới thiệu sân tập golf Mỹ Đình Pearl thuộc dự án Mỹ Đình Pearl trên diện tích đất trước đây được chấp thuận để làm tổ hợp khách sạn.
![]() |
Phối cảnh dự án dự án Mỹ Đình Pearl của PV – SSGkéo dài nhiều năm vẫn chưa triển khai xong
Vì sao Oceanbank bán cổ phần?
Ngoài ra, dự án này còn liên tục thay đổi quy mô dự án khi là hai tháp căn hộ cao 38 tầng, với 984 căn hộ, lúc lại thành hai tháp căn hộ 30 tầng, sau lại điều chỉnh lên 36 tầng khiến khách hàng “không biết đằng nào mà lần”.
Theo khối nguồn vốn và đầu tư của Oceanbank, lý do ngân hàng này bán 4 triệu cổ phiếu của PV-SSG đang nắm giữ là thực hiện chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thu hồi những khoản đầu tư không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn đầu tư sinh lời cho ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, tháng 3/2017, PVN cũng bán đấu giá toàn bộ 2,4 triệu cổ phần (tương đương 4,8% vốn) tại PV-SSG với giá khởi điểm là 10.080 đồng/cổ phần.
Thực tế, dự án Mỹ Đình Pearl từ năm 2010 đến năm 2014 đã không phát sinh doanh thu. Tới năm 2015, PV-SSG mới ghi nhận khoản doanh thu 2 tỷ đồng đến từ dự án Golf Mỹ Đình Pearl và cho thuê mặt bằng.
Hoạt động chính của PV-SSG hiện nay là xây dựng và triển khai dự án trên lô đất 3,8ha của dự án Mỹ Đình Pearl và hầu hết khách hàng của dự án này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi mua sản phẩm tại dự án, dù dự án hiện vẫn chưa bàn giao nhà cho khách hàng.
Bất chấp thực tế đó, PV-SSG vẫn được đánh giá là dự án có tiềm năng, giá bán khá cao, tới hơn 30 triệu đồng/m2 nhà. Theo thông tin từ Oceanbank, ngoài việc buộc phải bán cổ phần nắm giữ tại PV-SSG theo yêu cầu của NHNN, ngân hàng này không phát sinh dư nợ của PV-SSG, không có nợ xấu từ dự án Mỹ Đình Pearl.
Hiện nay, một số cổ đông chính của tập đoàn SSG – công ty mẹ của PV-SSG – đang là bị cáo trong vụ án xảy ra tại Oceanbank. Theo đó, trong đại án Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đều có liên quan đến nhóm cổ đông sở hữu hơn 5,8 triệu cổ phần SSG là bà Hứa Thị Phấn, Hứa Anh Thơ, Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bách Hạnh, với bà Hứa Thị Phấn từng là thành viên HĐQT của Tập đoàn SSG.
Trên vai trò là đại diện cổ đông sáng lập, bà Phấn đã dùng hơn 5 triệu cổ phiếu tại SGG (gồm 1,6 triệu cổ phiếu SSG của bà Ngô Thị Kim Huệ, hơn 860.000 cổ phiếu SSG của bà Hứa Thị Phấn, 3,3 triệu cổ phiếu SSG của bà Hứa Thị Bích Hạnh) cùng hai biệt thự là tài sản cá nhân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đầu năm 2012.
Theo thông tin tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm giai đoạn một, cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên hơn 5,8 triệu cổ phần SSG của nhóm cổ đông bà Hứa Thị Phấn để khắc phục thiệt hại cho khoản vay 500 tỷ đồng của công ty Trung Dung tại Oceanbank.
Thùy Linh