Niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài được giải thích sẽ giúp Novaland quốc tế hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi hoạt động và tìm kênh huy động vốn lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài khó khả thi do doanh nghiệp Việt khó đáp ứng các điều kiện niêm yết, quy định về kế toán, kiểm toán, quản trị công ty, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin theo yêu cầu của TTCK nước ngoài.
Doanh nghiệp “già”, đại gia trẻ
CTCP Tập đoàn Novaland tiền thân là công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn được thành lập năm 1992. Đến nay, Novaland đã có hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhưng thực sự dấn thân vào lĩnh vực BĐS từ năm 2007. Khi công ty Thành Nhơn tách thành hai công ty trong hệ thống Novagroup là Novaland – hoạt động trong lĩnh vực BĐS và Anovacorp – hoạt động trong lĩnh vực thức ăn gia súc.
Vài năm gần đây, Novaland đã vươn lên thành một tập đoàn phát triển BĐS có giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán đạt khoảng 1,6 tỷ USD, nhờ mô hình kinh doanh “khác người”.
Theo cáo bạch công ty, kể từ khi được tách ra vào năm 2007 đến nay, Novaland đã có 12 lần tăng vốn, từ mức chỉ hơn 95 tỷ đồng lên thành 5.962 tỷ đồng như hiện nay (gấp 63 lần).
Trong đó, giai đoạn tăng mạnh nhất là từ tháng 6/2015 – 11/2016, tăng từ 2.300 tỷ đồng lên 5.962 tỷ đồng, với 8 lần, đạt tần suất trung bình khoảng 2 tháng/lần và mức tăng bình quân là 458 tỷ đồng/lần tăng vốn.
Về tốc độ phát triển dự án, từ năm 2014 đến nay, Novaland có tới 40 dự án, với phương án liên tục mua lại các dự án “chết lâm sàng”. Trong đó, nhiều thương vụ nổi bật có giá trị nghìn tỷ như Water Bay và Lakeview City (5.000 tỷ), Saigon Mê Linh Tower (1.600 tỷ), The Tresor (976 tỷ) và RiverGate (936 tỷ)…
Hiện, Novaland đang là công ty sở hữu nhiều sàn giao dịch BĐS nhất Việt Nam với 11 sàn ở khắp Tp.HCM và ba chi nhánh.
Ngày 28/12/2016, Novaland chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HSX với sự tham gia của hơn 18 nhà đầu tư, trong đó có các tổ chức danh tiếng như: GIC (của chính phủ Singapore), Credit Suisse, JP Morgan Asset Management, Gateway Partners…
Ngày đầu tiên niêm yết, giá cổ phiếu đã tăng trần 20% và đã trở thành top 10 trong các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán chỉ trong vòng 6 tháng. Novaland đã tạo được cú “hat trick” khi được hai quỹ ETF (Van Eck ETF và FTSE ETF) đặc cách đưa vào danh mục đầu tư, cổ phiếu NVL cũng lọt vào danh sách VN30.
Đáng chú ý là công ty đầu tư BĐS lớn, song suốt nhiều năm trước khi niêm yết, Novaland không công bố bất cứ thông tin nào về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh lỗ/lãi, vay nợ, tồn kho dự án…
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài của Novaland được xin ý kiến cổ đông chính trong giai đoạn nhiều thông tin đồn đoán liên quan tới tập đoàn này
Ra biển tránh bão
Mới đây, HĐQT Novaland vừa thông qua tờ trình về việc phát hành cổ phiếu ưu đãi, phát hành cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Theo đó, Novaland dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức thay vì 23 triệu cổ phiếu như kế hoạch trước đó để tăng vốn điều lệ lên gần 7.297 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng lấy ý kiến phát hành 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, tăng mạnh so với phương án trước đó chỉ huy động 100 triệu USD.
Việc xin ý kiến cổ đông để niêm yết chứng khoán ở nước ngoài có thể bao gồm việc niêm yết cổ phiếu hoặc trái phiếu mà Novaland phát hành.
Liên quan đến các khoản vay từ nước ngoài, theo báo cáo tài chính quý III/2017 của công ty, Novaland đang có khoản vay 40 triệu USD từ Credit Suisse AG, Singapore (hạn mức của hợp đồng vay này là 100 triệu USD và không có tài sản đảm bảo). Ngoài ra, Novaland còn một khoản vay 50 triệu USD với GW Supernova PTE, trong đó có 30 triệu USD được quyền chuyển đổi.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 6/12/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị Đa Phước, được đổi tên thành Dự án Khu đô thị The Sunrise Bay Novaland Đa Phước Đà Nẵng từ năm 2017. Chủ đầu tư hiện nay là công ty TNHH The Sunrise Bay (tên cũ: công ty TNHH Daewon Cantavil).
The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ làm người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch HĐTV được chung vốn từ hai công ty là công ty Novaland (Chủ tịch HĐQT – ông Bùi Thành Nhơn) và công ty Bắc Nam 79 (Chủ tịch HĐQT – ông Phan Văn Anh Vũ).
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành tiếp nhận và tạm giữ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, 42 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) sau khi bị Singapore trục xuất về nước, để điều tra theo quy định của pháp luật về những sai phạm của Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng, sau 14 ngày truy nã.
Trước đó, ông Vũ đã bị khởi tố tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật hình sự.
Được biết, trước đây, cổ đông chính của Sunrise Bay là CTCP Nova Bắc Nam 79, nơi ông Phan Văn Anh Vũ giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nắm 99% vốn góp, sau đó đã chuyển nhượng qua công ty Hoàng Huy với tỷ lệ nắm giữ 99%.
Đây là công ty mới được thành lập vào tháng 6/2017 bởi nhóm các cổ đông bao gồm các công ty bất động sản liên quan đến Tập đoàn Novaland.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài của Novaland được xin ý kiến cổ đông chính trong giai đoạn nhiều thông tin đồn đoán liên quan tới tập đoàn này.
Linh Đan