Rất nhiều lý do được lãnh đạo các ngân hàng đưa ra giải thích cho việc chậm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM như: chờ thời cơ, phải xử lý nợ xấu…
Kế hoạch “nằm trên giấy”
Cuối năm 2016, hàng loạt ngân hàng chạy đua với các thủ tục liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng. Điều này khiến giới phân tích thị trường chứng khoán nhận định, năm 2017, thị trường sẽ đón nhiều “tân binh” mới của ngành ngân hàng “chào sàn”.
Tuy nhiên, trái với nhận định trên, đến nay, thị trường cổ phiếu ngân hàng vẫn ảm đạm. Kể từ sau năm 2014 (thời điểm BIDV niêm yết) đến nay, chưa có thêm ngân hàng nào đưa cổ phiếu lên niêm yết chính thức tại sàn chứng khoán.
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, cổ đông của các ngân hàng như KienlongBank, VPBank, Techcombank, NamABank… đều quan tâm đến việc khi nào cổ phiếu của ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi trước đó đã được ĐHCĐ chấp thuận chủ trương niêm yết.
Tại ĐHCĐ thường niên 2017 vừa diễn ra, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc khi nào niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết HĐQT hiện đang triển khai các thủ tục và làm việc với cơ quan quản lý để hoàn tất việc niêm yết.
Tương tự, cổ đông của VPBank rất sốt ruột về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của ngân hàng này sau nhiều lần lỡ hẹn. Cũng tại ĐHCĐ 2017, một số cổ đông đã chất vấn lãnh đạo VPBank về sự chậm trễ này.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, lý giải, VPBank đang tiến hành các thủ tục niêm yết trên sàn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Song, do một số thủ tục hành chính bị kéo dài nên phải tạm dừng. Hiện tại, VPBank đã thuê một công ty chứng khoán để tư vấn việc niêm yết. “Dự kiến trong quý II/2017 sẽ đưa cổ phiếu VPBank niêm yết trên HoSE”, ông Dũng thông tin.
Còn trường hợp của NamAbank, dù lãnh đạo ngân hàng đã “đánh tiếng” sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015, song kết thúc năm vừa qua, ngân hàng một lần nữa lại lỡ hẹn.
Theo giải thích của ngân hàng, năm 2016, vẫn chưa thực hiện được việc niêm yết do tình hình thị trường diễn biến thiếu thuận lợi, cổ phiếu của tổ chức tín dụng không có sự quan tâm lớn nên NamABank nhận thấy việc niêm yết cổ phiếu thời điểm này khó mang lại sự gia tăng giá trị cho cổ đông.
Do đó, HĐQT chưa thực hiện niêm yết mà chọn thời điểm thích hợp trên cơ sở cân nhắc diễn biến thị trường.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác như HDBank, PVcomBank viện dẫn lý do: phải thực hiện tái cơ cấu; tập trung xử lý nợ xấu; kế hoạch sáp nhập; tìm kiếm đối tác chiến lược…
![]() |
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, cổ đông của các ngân hàng như KienlongBank, VPBank, Techcombank, NamABank… đều quan tâm đến việc khi nào cổ phiếu của ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán
Theo sức khỏe ngân hàng
Trên thực tế, NHNN đã nhiều lần đốc thúc các ngân hàng sớm niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Các chuyên gia trong ngành cho rằng việc này là cần thiết để minh bạch hóa hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Song, theo các chuyên gia, việc này còn tùy theo sức khỏe của từng ngân hàng, bởi niêm yết mà cổ phiếu không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư coi như không thành công. Rõ ràng, không ông chủ nào muốn giá cổ phiếu ngân hàng ở dưới mệnh giá khi niêm yết.
Thực tế, bản thân các ngân hàng cũng muốn công bố thông tin tài chính của mình một cách rõ ràng, minh bạch, bởi chỉ có cách này họ mới “kêu gọi” được đối tác đầu tư. Nhưng để làm được điều đó, các ngân hàng phải dọn bớt nợ xấu, củng cố tiềm lực, khi đó, cổ phiếu ngân hàng mới lên sàn được và có giá cao.
Trong bối cảnh hầu hết ngân hàng phải tăng vốn điều lệ bằng “tiền tươi thóc thật” theo quy định của NHNN đang vô cùng khó khăn, việc đưa cổ phiếu lên sàn sẽ giúp ngân hàng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc chậm niêm yết có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhưng ảnh hưởng như thế nào, gây thiệt hại ra sao và chứng minh thiệt hại lại rất khó. Ví dụ, cổ đông nói rằng niêm yết giá cổ phiếu sẽ tăng lên, nhưng căn cứ vào đâu để cân đo thiệt hại lại không có.
Một số luật sư cho rằng khó xử phạt khi ngân hàng trì hoãn không lên sàn do việc lên sàn thời điểm nào lại được ĐHCĐ ủy quyền toàn bộ cho HĐQT quyết định nên cổ đông không thể bắt bẻ HĐQT vi phạm Nghị quyết ĐHCĐ.
Vì vậy, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Ngân hàng phải tính đến việc lên sàn để huy động vốn nên cần thiết phải áp dụng quy định buộc các ngân hàng phải lên sàn. Vấn đề quan trọng là các ngân hàng đã lỗi hẹn nhiều năm, do đó cần có một thời hạn cuối cùng, bắt buộc các ngân hàng phải lên sàn, nếu không sẽ có chế tài xử lý trách nhiệm pháp lý. Đây là điều cần làm ngay”.
Huyền Anh