Để trở thành cổ đông chi phối một ngân hàng, cần phải có nguồn lực rất lớn. Bên cạnh nguồn thực có, nhà đầu tư còn cần nguồn vốn vay để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng
Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định, một ngân hàng thương mại_(NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng (TCTD) khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.
Đồng thời, NHTM chỉ được nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại TCTD khác và không được cử người tham gia hội đồng quản trị TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Giảm sở hữu chéo
Hiện nay, đa số chủ tịch HĐQT của các NHTM đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của rất nhiều doanh nghiệp khác. Điển hình như, ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT SHB nhưng ai cũng biết nhà băng này được gây dựng bởi Tập đoàn T&T do ông Hiển sáng lập từ ngày đầu tham gia thương trường và bản thân ông luôn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra còn có: ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sacombank. Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Doji Group… Trong thời gian tới, các “đại gia” này sẽ chỉ được giữ một vị trí tại một TCTD hoặc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong hệ thống vẫn còn vài trường hợp vì nhiều nguyên do khác nhau mà chưa đáp ứng yêu cầu, như sở hữu của Maritime Bank ở MB; Vietcombank ở MB, Eximbank và OCB (Vietcombank từng sở hữu vốn ở 5 tổ chức tín dụng nhưng mới đây vừa thoái thành công ở Saigonbank và Tài chính Xi măng nên chỉ còn sở hữu vốn ở 3 ngân hàng); hay Eximbank ở Sacombank.
Mới đây, ngày 29/12/2017, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ gần 18,9 triệu cổ phần của OCB tương đương với 4,7% vốn điều lệ, với giá khởi điểm là 13.000 đồng/ cổ phần. Mặc dù phiên đấu giá “ế ẩm” nhưng Vietcombank vẫn thu về hơn 171 tỷ đồng khi bán được 13,16 triệu cổ phần OCB. Như vậy, Vietcombank vẫn còn hơn 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương với khoảng 30% số cổ phiếu muốn bán đấu giá, bị ế.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch HĐQT Vietcombank, đầu năm 2018, ngân hàng sẽ bán hết vốn tại Eximbank và MBBank. Hiện tại, Vietcombank đang nắm 7,91% vốn tại MBBank, 8,19% vốn tại Eximbank.
Cũng để đáp ứng thông tư 36, trong những ngày tháng 11/2017, Eximbank đã bán bớt hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB, đưa tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu tương đương 9,16% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank.
Eximbank – Sacombank cũng là 1 trong 2 cặp sở hữu chéo còn sót lại sau quá trình xử lý quyết liệt của NHNN.
![]() |
Đến nay, trong hệ thống ngân hàng đã không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở ngân hàng, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 trong năm 2015 xuống còn 2; sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp; số TCTD sở hữu hơn 15% nay chỉ còn 4 trường hợp, so với 19 vào năm 2012.
Cấm cửa cho vay mua cổ phiếu
Việc chưa có quy định hạn chế các TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng chặt chẽ hơn hẳn.
Theo đó, trường hợp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của TCTD; tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Ngoài ra, Thông tư số 19 sửa đổi, bổ sung một số giới hạn, tỷ lệ phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD: Giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp; tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng và giới hạn góp vốn, mua cổ phần thực hiện theo quy định của Luật các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD; và nhiều trường hợp khác, chiếu theo Luật các TCTD.
Đáng chú ý, thông tư mới cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, để mua cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư phải có “tiền tươi”, chứ không được dùng vốn vay từ các TCTD. Từ đó, ngăn được việc dùng vốn vay ngân hàng để mua cổ phiếu ngân hàng, thậm chí là cổ phiếu ngân hàng cho vay để thâu tóm chính ngân hàng này.
Thông tư 19 được kỳ vọng sẽ giúp chọn lọc được những nhà đầu tư có thực lực tham gia vào hệ thống ngân hàng. Và nhờ thế, chất lượng tăng trưởng của hệ thống ngân hàng sẽ thực chất hơn khi sử dụng được tiềm lực và kinh nghiệm quả trị của các nhà đầu tư này.
Đó mới là kỳ vọng, còn thực tế thì vẫn phải chờ. Vì thực tế, công cụ thôn tính các ngân hàng chủ yếu thực hiện qua hệ thống công ty sân sau, với những lý do vay không liên quan tới cổ phiếu. Nói cách khác là không thuộc điều chỉnh của thông tư 19.
Nhất Long