Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng kế đến là ngành bất động sản – xây dựng và hàng tiêu dùng với tỉ lệ lựa chọn lần lượt tương ứng là 29,2% và 20,8%.
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Chỉ số Vn-Index từ 665 điểm đã tăng đến 970 điểm, tương đương với mức tăng gần 46%, tỉ trọng vốn hóa tăng từ 35% GDP vào năm 2015 lên 65% GDP trong năm nay, còn thanh khoản tăng gấp đôi năm 2016.
Cổ phiếu“vua”
Các nhà đầu tư ngoại tích cực mua ròng với tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tăng khoảng 47% kể từ đầu năm 2017.
Theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là những mã có vốn hóa rất lớn, đóng vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy VN-Index ở những thời điểm nhất định. Có thể kể đến vai trò của VCB, BID, VPB, MBB trên HoSE hay ACB, SHB trên sàn HNX.
Điều này được thể hiện qua việc trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục giao dịch trong sắc xanh, tuy có những phiên điều chỉnh, nhưng vẫn có mức tăng ấn tượng.
Lĩnh vực ngân hàng được giới phân tích đánh giá đã tốt hơn sau thời gian tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vừa qua.
Hiện nay còn nhiều tranh cãi về Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng Nghị quyết này vẫn được đánh giá là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường tài chính – ngân hàng trong năm 2017 – 2018.
Kể từ khi triển khai Nghị quyết 42, công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã thu hồi được 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay lên 16.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là sự quyết liệt của các ngân hàng trong vấn đề xử lý nợ xấu, vấn đề này sẽ được cải thiện hơn, giúp đánh tan “cục máu đông” nợ xấu và khơi thông dòng tiền.
Thêm một “đòn bẩy” khiến cổ phiếu ngân hàng được coi như “cổ phiếu vua” là kết quả kinh doanh ấn tượng.
Năm 2017, VIB đặt mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng, tuy nhiên qua 11 tháng đầu năm, VIB đã báo lãi trước thuế tới 1.050 tỷ, vượt tới 41% so với kế hoạch đề ra. VPBank cho đến 9 tháng đầu năm nay đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn hệ thống về lợi nhuận trước thuế với số tuyệt đối 5,6 nghìn tỷ đồng, vượt qua cả BIDV.
HDBank qua 9 tháng đầu năm đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, vượt xa con số 1.300 tỷ đồng kế hoạch năm và lãnh đạo ngân hàng này ước tính lãi cả năm sẽ không dưới 2.400 tỷ đồng.
Sacombank với kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 585 tỷ đồng, tuy nhiên, qua 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 1.025 tỷ đồng, gần gấp đôi so với chỉ tiêu và cao hơn gấp 5 lần cùng kỳ năm 2016.
![]() |
Khác với những đợt bán vốn nhà nước ở các công ty có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trước đây, việc thoái vốn năm nay tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, các mã cổ phiếu lớn đã thu hút nhiều quỹ đầu tư lớn nước ngoài tham gia.
Cổ phiếu thoái vốn
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn “khủng”, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các nhà đầu tư Việt Nam và thế giới.
Tiêu biểu như cuộc đấu giá cạnh tranh bán thành công 344 triệu cổ phiếu, tương đương 53,59% vốn cổ phần của Sabeco. Với mức giá bình quân là 320.000 đồng/cp, Bộ Công Thương thu về 4,8 tỷ USD từ thương vụ này.
Trước đó, SCIC có kế hoạch bán toàn bộ 45% cổ phần nắm giữ tại Vinamilk. Tuy nhiên, đại diện phần vốn nhà nước đã quyết định không bán trọn lô 45%, mà chia làm nhiều đợt.
Trong đợt thoái vốn đầu tiên, SCIC đã bán được 78,38 triệu cổ phiếu VNM với giá 144.000 đồng/cp, tổng số tiền thu về 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD. Sau giao dịch, SCIC còn nắm giữ 570,9 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 39,33%.
Trong đợt đấu giá lần 2, SCIC đã bán thành công trọn lô 3,33% vốn VNM cho quỹ ngoại Platium Victory Pte. Ltd với giá 186.000 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 24%.
Sau giao dịch bán vốn, giá cổ phiếu VNM tăng liên tục và đạt mức 205.000 đồng/cp, tăng 70,8% so với đầu năm.
Ngoài ra, còn có thương vụ chào bán cổ phần thứ cấp kỉ lục của Vincom Retail với tổng giá trị 16.849 tỷ đồng, tương đương khoảng 743 triệu USD Phiên giao dịch_khớp lệnh_kỷ lục với 128 triệu cổ phiếu DIG của DIC Corp do Bộ Xây dựng thoái vốn, với giá trị lên đến 2.468 tỷ đồng, chiếm 30% khối lượng giao dịch toàn thị trường Phiên IPO thành công toàn bộ số cổ phần chào bán tại Tổng công ty IDICO hồi tháng 10/2017 mang về cho Nhà nước trên 1.300 tỷ đồng và Tổng công ty Thanh Lễ hồi tháng 11/2017, Nhà nước thu về hơn 174 tỷ đồng.
Trong thời gian tới đây, việc IPO, thoái vốn của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần không nhỏ kích thích sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Điển hình như, Bộ Công Thương bán 24,9% vốn tại Petrolimex nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 78,6% xuống còn 53,7%. Bộ này cũng có kế hoạch bán hết 53,5% vốn tại Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) và bán 57,9% vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel, mã: TVN).
Ngoài ra, Bộ Công Thương có kế hoạch bán 20% vốn của ACV trong năm 2018. Doanh nghiệp còn có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE. Cổ phiếu ACV đã tăng bền bỉ từ giá 50.000 đồng lên 90.000 đồng ở thời điểm hiện tại.
Linh Đan