Mới đây, Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong giai đoạn 2012-2015.
ACV sai phạm gì?
Giai đoạn 2012-2015, ACV đã phục vụ trên 131 triệu lượt khách trong nước và trên 64 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu trên 49.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 8.200 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 6.200 tỷ đồng.
Trong đó, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị trên 297 tỷ đồng. Nhưng đến 31/3/2016, ACV mới ghi tăng tài sản Dự án đường lăn E6, do đó, giá trị các tài sản của Nhà nước bị loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (CPH).
Trong việc quản lý sử dụng đất, ACV cũng dính hàng loạt sai phạm như đến thời điểm ACV chuyển sang công ty cổ phần, cảng vụ chưa hoàn thành thủ tục giao hơn 2.888 ha đất và chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với trên 197 ha, dẫn đến việc thiếu cơ sở nộp tiền thuê đất vào NSNN với số tiền hơn 330 tỷ đồng. Ngoài ra, 11 cảng hàng không chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 7.225 ha.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích gần 3.000 ha.
Đáng chú ý, khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH từ 1/7/2017 đến 31/12/2015, ACV đã loại giá trị các tài sản khu bay do không còn quyền sở hữu. Tuy nhiên, ACV vẫn tiếp tục sử dụng, khai thác, theo dõi, hạch toán và trích khấu hao các tài sản này với số tiền hơn 903 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh sau khi đã CPH. Sai phạm này bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên 692 tỷ đồng…
ACV và các đơn vị liên quan còn một số vi phạm làm tăng chi phí dự án, tổng mức đầu tư dự án vượt nguồn vốn theo kế hoạch được phê duyệt hơn 73,6 tỷ đồng. Đặc biệt, tại gói thầu số 10A và 10B thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản).
Về hoạt động kinh doanh, ACV đã không thực hiện đấu thầu mà chỉ định thầu cho thuê hầu hết các mặt bằng để kinh doanh dịch vụ tại các Cảng hàng không từ năm 2010. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2015, công ty đã ký 803 hợp đồng với số tiền lên tới 701 tỷ đồng qua hoạt động này.
Ngoài ra, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ôtô đưa, đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai với số tiền 550 tỷ đồng.
Tổng số tiền và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra cần kiến nghị xử lý là hơn 3.600 tỷ đồng và 7.225 ha đất. Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến nay, theo báo cáo, ACV đã thực hiện xử lý các vi phạm về tài chính với tổng số tiền hơn 1.158 tỷ đồng.
![]() |
Bị kết luận vi phạm 3.600 tỷ đồng: Vốn hóa ACV “bốc hơi” hơn tỷ USD
Thị giá “bốc hơi”
Ngay sau khi kết luận thanh tra này được công bố, giá cổ phiếu ACV đã có phản ứng không mấy tích cực. ACV đã ghi nhận ba phiên giảm mạnh liên tiếp từ hôm 8/1.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu ACV giao dịch tại mức giá 106.500 đồng/ cổ phiếu, trong khi tại phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 5/1), cổ phiếu này giao dịch tại mức giá 119.000 đồng/ cổ phiếu.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày, cổ phiếu ACV đã giảm 10,7% tương đương 12.500 đồng/ cổ phiếu, khiến vốn hóa của doanh nghiệp “bốc hơi” 27.212 tỷ đồng, chỉ sau 3 ngày. Mặc dù vậy, thị giá hiện tại của ACV vẫn vượt giá trị hợp lý theo ước tính là 95.000 đồng. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thị giá ACV đã tăng gần 2,6 lần, từ mức 41.300 đồng/cổ phiếu, đẩy vốn hóa của ACV lên ngưỡng hơn 10 tỷ USD. Hiện tại, ACV cũng là một trong 19 mã cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Theo nhận định của CTCP chứng khoán Tp.HCM (HSC), kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ tác động nhẹ đến giá cổ phiếu do những vi phạm này phát sinh trước khi ACV chuyển đổi thành CTCP vào ngày 1/4/2016.
Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động, lợi nhuận hay nhân sự lãnh đạo của ACV.
Cũng theo HSC, cổ phiếu ACV vẫn còn đà tăng ngắn hạn vì công ty chuẩn bị chuyển sàn niêm yết sang HoSE trong quý II/2018. Ngoài ra, trong quý III/2018, ACV còn đề xuất bán đấu giá một lượng đáng kể cổ phần cho nhà đầu tư tài chính, ngoài ra, kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một động lực trong dài hạn.
Tuy nhiên theo HSC, rủi ro dài hạn chính ở đây là rủi ro pha loãng do công ty hiện có kế hoạch phát triển yêu cầu huy động vốn trung hạn lớn, với thời gian hoàn vốn dài.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1, cổ phiếu ACV đã phục hồi nhẹ khi tăng 3,7% lên 110.000 đồng/ cổ phiếu.
Linh Đan